MINH THỊ

 

LỊCH SỬ ĐÃ CHỨNG MINH, KHÔNG MỘT ĐÁM NGOẠI NHÂN NÀO YÊU THƯƠNG ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA NẾU CHÍNH CHÚNG TA KHÔNG BIẾT YÊU THƯƠNG LẤY ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC CỦA MÌNH. 

DÂN TỘC VIỆT NAM PHẢI TỰ QUYẾT ĐỊNH LẤY VẬN MỆNH CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ VAN NÀI, CẦU XIN ĐƯỢC TRỞ THÀNH QUÂN CỜ PHỤC VỤ CHO LỢI ÍCH CỦA NGOẠI BANG VÀ NHỮNG THẾ LỰC QUỐC TẾ. 

 

Email: kimau48@yahoo.com or kimau48@gmail.com. Cell: 404-593-4036. Facebook: Kim Âu

 

֎ Kim Âu ֎ Tinh Hoa ֎ Chính Nghĩa ֎ Diễn Đàn ֎ Bài Của Kim Âu ֎ Báo Chí ֎ Dịch ֎ Tự Điển ֎ Tiếng Việt ֎ Learning ֎ Chính Nghĩa Việt Blogspot ֎ Sports ֎ Video/TV ֎ Lottery ֎ Tác Phẩm ֎ Tác Gỉa ֎ Đà Lạt

 

 

TỪ BUỔI HOÀNG HÔN CỦA ĐẤT NƯỚC ĐẾN BUỔI BÌNH MINH CỦA DÂN TỘC

 

Lê Quế Lâm

Thứ Sáu, 11 tháng Tư năm 2014 04:04

 

 

 

 

Phần I a: Buổi hoàng hôn của Đất nước

 

Ngày 13/3/1975 Trung tướng Ngô Quang Trưởng -Tư lịnh Quân Đoàn I kiêm Tư lịnh Vùng 1 Chiến thuật được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi về Dinh Độc Lập chỉ thị phải bỏ Quân đoàn I ngay hôm nay. Ông trình bày “Quân đoàn I đủ sức chống giữ”, nhưng tổng thống và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm không chấp nhận. Lịnh bất di bất dịch là “Phải rút khỏi Quân Đoàn I càng sớm càng tốt”.

 

Ba mươi hai năm sau, tướng Ngô Quang Trưởng qua đời (21/01/2007). Sau đó vào ngày 21/3 tại Nam Cali, cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, nguyên Tư lịnh Vùng I Duyên hải xuất bản quyển “Can trường trong chiến bại – Hành trình của một thủy thủ”. Tác giả cho biết tướng Trưởng đã tiết lộ cho ông biết: “Ngày 13/3/1975 tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu nhận định với ngân sách viện trợ của Hoa Kỳ bị cắt giảm, chính phủ không còn cách nào có thể giữ được sự toàn vẹn của lãnh thổ miền Nam. Tổng thống Thiệu lấy viết vạch một đường từ Ban Mê Thuộc xuống Tuy Hòa và nói đó là ranh giới của miền Nam. Tổng thống Thiệu còn căn dặn tước Trưởng phải giữ kín, không tiết lộ cho các tư lịnh sư đoàn, các tỉnh trưởng cũng như hải quân và không quân biết việc bỏ miền Trung”.

 

Sau khi ra lịnh tướng Trưởng rút bỏ Vùng 1, hôm sau (14/3/1975) TT Thiệu bay ra Cam Rang gặp Thiếu tướng Phạm Văn Phú -Tư lịnh Quân Đoàn II kiêm Tư lịnh Vùng 2 Chiến thuật. Tại đây với sự hiện diện của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên và Trung tướng Đặng Văn Quang -Cố vấn An ninh quốc gia, TT Thiệu ra lịnh tướng Phú rút bỏ cả vùng Cao nguyên. Ông cho rằng QLVNCH không còn đủ khả năng bảo vệ toàn thể lãnh thổ, phải rút bỏ những vùng kém trù phú, gom lực lượng về cố thủ vùng duyên hải đồng bằng.

 

Trở về Bộ Tư lịnh Quân đoàn ở Pleiku, tướng Phú báo ngay cho Bộ tham mưu và những bộ hạ thân tín biết quyết định của tổng thống. Một cuộc rút quân chiến thuật đáng lẽ phải được bảo mật, chỉ huy và tổ chức có kế hoạch được yểm trợ đàng hoàng mới có thể đưa lực lượng an toàn về đồng bằng…Nhưng tướng Phú lại ủy thác cho Đại tá Biệt Động Quân Phạm Duy Tất vừa được ông đề nghị vinh thăng chuẩn tướng phụ trách việc di tản. Các vị chỉ huy ở Quân đoàn chỉ lo di tản thân nhân và tài sản cấp tốc bằng phi cơ, bỏ mặc binh sĩ cùng gia đình và dân chúng rút chạy một cách hỗn loạn bằng đường bộ

 

Chiều tối Chủ nhật ngày 16/3/1975, nhà báo Nguyễn Tú –phóng viên chiến trường của Nhật báo Chính Luận, từ Pleiku gọi điện thoại về toà soạn báo tin trong hai ngày qua, đồng bào Pleiku đã hoang mang đến tột độ khi nghe các đài phát thanh ngoại quốc loan tin BTL Quân đoàn II đã di tản về Nha Trang. Giới hữu trách không có lời giải thích nào để trấn an khiến đồng bào càng mất thêm tinh thần, mạnh ai nấy lo phương tiện di tản. Chiến tranh thực sự chưa tới Pleiku. Chưa một đạn pháo kích nào của địch bắn vào thị xã. Nhưng dân chúng Pleiku chạy ra đầy đường tạo ra cảnh hỗn loạn không thể tưởng tượng nổi. Các kho súng, kho đạn tại tỉnh Pleiku đã được lịnh thiêu hủy. Từng cột khói đen bốc lên trong lửa đỏ từ các bồn nhiên liệu cũng được lịnh phá hủy. 8 giờ đêm Chủ nhật, Kontum, Pleiku bi thảm, ra đi bỏ lại phía sau những cột khói, những vùng lửa. Tình trạng Pleiku bi thảm quá! Hoàng hôn của Pleiku có thể coi như đã bắt đầu, đồng thời có thể tiếp luôn những cảnh hoàng hôn khác.  Bản tin này được đọc giữa tiếng khóc nức nở của đặc phái viên Nguyễn Tú.

 

Trong khi đó tại Vùng 1 Chiến thuật, tướng Trưởng dù đã nhận được lịnh phải rút khỏi Quân đoàn I càng sớm càng tốt, song ông vẫn chần chừ, cố giữ vùng địa đầu giới tuyến. Nhưng khi cuộc di tản chiến thuật ở Cao nguyên thất bại, Cộng quân Bắc Việt mở cuộc tấn công ở Quảng Trị ngày 19/3/1975. Buổi hoàng hôn kế tiếp diễn ra ở cố đô Huế, khi đồng bào Quảng Trị, Thừa Thiên ùn ùn kéo vào Đà Nẳng vì những tin đồn “Hoa Kỳ và Thiệu đã thỏa thuận giao Vùng 1 và 2 cho Mặt trận Giải Phóng Miền Nam theo một giải pháp chính trị mật với Hà Nội”. Trong khi đó TT Thiệu lại rút toàn bộ Sư đoàn Dù và các lữ đoàn TQLC khỏi vùng giới tuyến về bảo vệ Sàigòn vì sợ một cuộc đảo chính.

 

Hồi ức của bác sĩ quân y TQLC -Bằng phong Phạm Vũ Bằng về Những Người Lính Bị Bỏ Rơi tiết lộ: “Các Tiểu đoàn 3, 4, 5 TQLC và TĐ 2 Pháo binh đang đối đầu với các trung đoàn CSBV tại Quảng Trị thì nhận được lịnh rút quân hỏa tốc về cửa Thuận An lúc 6 giờ chiều ngày 24/3/1975. Lúc 8 giờ sáng 25/3 lực lượng TQLC thuộc Lữ đoàn 147 đã tập trung đầy đủ tại bãi biển Thuận An để chuẩn bị xuôi Nam, đi về cửa Tư Hiền như lịnh của Trung tướng Lâm Quang Thi, Tư lịnh Tiền phương Quân đoàn I. Nhưng cuộc lui quân của LĐ 147 TQLC đã không thực hiện được vì 3 yếu tố Không: Không có cầu phao tại cửa bi ển Tư Hiền, Không có các giang đoàn và duyên đoàn bảo vệ bãi biển Thuận An, Không có không quân và Hải quân yểm trợ, tiếp viện và tiếp tế. Thời điểm 10.30 sáng 25/3/1975 tình hình còn yên tỉnh, LĐ 147 TQLC dàn quân phòng thủ trật tự để chờ tàu. Chờ tới 5 giờ chiều mà không c ó tàu nào vào đón, và địch quân đã đến bao vậy quân ta trên bãi cát!”

 

Tin đồn bỏ ngỏ Vùng 1 và 2 không được chính phủ cải chính càng làm cho dân chúng hốt hoảng thêm, khiến binh sĩ mất tinh thần chiến đấu. Họ nghĩ rằng đã có giải pháp chính trị thì chiến đấu làm chi nữa. Việc trước mắt là phải tìm mọi cách chạy về phía Nam càng sớm càng tốt. Chỉ trong 5 ngày Đà Nẳng trở thành một thành phố hỗn loạn với số dân tăng lên gấp ba lần. Hầu hết các đơn vị còn đầy đủ vũ khí nhưng không người chỉ huy, họ đổ xô ra bờ biển, trưng dụng và cướp ghe thuyền đánh cá của dân để xuôi Nam.

 

Nửa tháng trước, tướng Trưởng không thể nhẫn tâm bỏ rơi đồng đội -những thuộc cấp đã từng đồng lao cộng khổ với mình tại tuyến đầu lữa đạn. Vì thế ông nấn ná ở lại cho đến ngày 29/3/1975 khi Bộ Tư lịnh Quân đoàn I sắp lọt vào tay cộng quân, ông ra một lịnh cuối cùng: “Các anh không còn nhiệm vụ gì nữa, các anh tùy nghi tìm phương tiện ra tàu”. Còn ông, ở lại một mình trong trại TQLC ở căn cứ Non Nước, không còn phương tiện nào khác, chiếc trực thăng dành cho ông đã cất cánh. Tôi tin rằng, ông sẽ noi gương cụ Phan Thanh Giản ngày trước -cùng quê hương Bến Tre với ông, quyên sinh ngay tại biên trấn mà mình nhận trọng trách. Nhưng sự đời run rủi, Đại tá Nguyễn Thành Trí-–Tư lịnh phó Sư đoàn 369 TQLC, nhìn thấy ông tiều tụy sau nhiều đêm mất ngũ, không đành bỏ ông nên dìu ông lần xuống bãi biển, trồng áo phao vào người kéo ông bơi ra tàu.

 

Buổi hoàng hôn đã chụp xuống thành phố Đà Nẳng ngày 30/3/1975. VNCH hoàn toàn mất quyền kiểm soát ở đây. Nếu cả kể QĐ II thì 5 sư đoàn bộ binh, các đơn vị nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, các đơn vị không và hải quân, các lực lượng địa phương quân và nghĩa quân, tổng cộng trên 270 ngàn đã tan rã. Một tỉ đô la vũ khí đạn được bị phá hủy. Số binh sĩ và thường dân thương vong rất nhiều. Ba tuần sau, đại quân Bắc Việt nối gót quân dân VNCH di tản chiến thuật, đã tiếp cận thủ đô Sàigòn. Chiều ngày 21/4/1975, TT Thiệu từ chức. Ông tuyên bố “tôi từ chức nhưng tôi không đào ngũ. Tôi sẽ sát cánh với quý vị trong bất cứ công tác gì cần thiết cho việc bảo vệ quốc gia”, nhưng bốn ngày sau ông cùng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm di tản sang Đài Loan.

 

Tổng thống Trần Văn Hương liền triệu hồi Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm Nguyễn Xuân Phong từ Paris về nước, để cùng Đại sứ Pháp Merillon đi Hà Nội thương thuyết, nhưng bị Bắc Việt từ chối. Họ chỉ chấp nhận nói chuyện với Đại tướng Dương Văn Minh. Chiều ngày 28/4/1975 Lưỡng viện Quốc hội VNCH chấp nhận ông Hương trao quyền tổng thống cho ông Minh. Chưa đầy một giờ sau khi ông Minh nhậm chức và kêu gọi các “anh em phía bên kia ngưng ngay lập tức những cuộc tấn công lẫn nhau để chấm dứt những khổ đau của dân chúng, cùng nhau ngồi vào bàn hội nghị để tìm những giải pháp hữu ích cho quốc gia dân tộc”, thì CS cho phi cơ ném bom phi trường Tân Sơn Nhứt.

 

Ông Minh cử người đến tiếp xúc với phái đoàn CS trong trại Davis để bàn chuyện ngưng bắn và hòa giải. Họ đòi ông phải yêu cầu HK rút khỏi miền Nam. Đòi hỏi này được thực hiện. Từ 10 giờ sáng ngày 29/4/1975, hàng đoàn trực thăng từ Hạm đội 7 vần vũ trên bầu trời Sàigòn. Trực thăng đáp xuống doanh trại Tùy viên Quân lực Mỹ (DAO) ở cạnh phi trường TSN. Đáp trên nóc Tòa Đại sứ Mỹ và nhiền nơi khác để bốc người di tản ra hạm đội.

 

Đến xế trưa ngày 29/4/1975 các cấp chỉ huy ở Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đều vào cơ quan DAO để di tản. Nơi đây chỉ còn tướng Ngô Quang Trưởng. Sau khi rút khỏi QĐ I, tướng Trưởng gần như bị TT Thiệu quản thúc vì sợ ông đảo chánh. Nơi ông ở hoặc ông đi đâu đều có xe cảnh sát bám sát. Sau khi TT Thiệu ra đi, Đại tướng Cao Văn Viên cử ông làm phụ tá để chuẩn bị đào thoát. Viên sẽ không bận tâm vì đã có tướng Trưởng ứng trực tại Tòa nhà chánh Bộ TTM.

 

Tháng trước, ông không được chết với Vùng 1 nơi ông trấn nhậm, thì nay ông sẽ cùng chết với QLVNCH tại cơ quan đầu não này. Nhưng cũng do cơ trời run rủi, tướng Nguyễn Cao Kỳ vào phút chót, đáp trực thăng xuống Bộ TTM. Bước lên lầu tòa nhà chánh, nơi đây không còn viên tướng hoặc sĩ quan cao cấp nào cả. Tướng Kỳ xuống lầu thì thấy tướng Trưởng lững thững bước lên. Tướng Kỳ hỏi “Trung tướng làm gì ở đây?” Tướng Trưởng thẩn thờ đáp “Tôi cũng không biết”. Tướng Kỳ kéo ông ra trực thăng bay ra hạm đội. Trung tướng Ngô Quang Trưởng là hình ảnh người lính VNCH chiến đấu bảo vệ đất nước…Nhưng bị thượng cấp lợi dụng và bỏ rơi, phải tự tìm lối đào sanh, cuối cùng lẩn thẩn như người mất trí không biết phải làm gì khi giặc đến, nước mất nhà tan!

 

10 giờ sáng ngày 30/4/1975 ông Dương Văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh kêu gọi toàn thể QLVNCH ngưng bắn, ở nguyên tại chỗ và mời đại diện chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN vào Sàigòn nhận bàn giao chính quyền. Một giờ rưỡi sau, xe tăng của CS Bắc Việt tiến vào tiền đình Dinh Độc lập. Sau đó tại phòng khánh tiết viên chính ủy CSBV nói với ông Minh “Chính quyền của các anh từ trung ương đến cơ sở đã sụp đổ tan tành thì còn cái gì để bàn giao? Các anh đã bại trận và chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Ngày 30/4/1975 buổi hoàng hôn đã phủ trùm khắp miền Nam.

 

Từ sau biến cố 30/4/1975, nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh, bán đứng miền Nam VN cho CS. Vì thế khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa hồi tháng Giêng năm 1974, Hạm đội 7 ở gần đó nhưng không tiếp cứu. Trước đó, ngày 18/10/1972 Kissinger mang bản dự thảo HĐ Paris sang tham khảo với chính quyền VNCH. TT Thiệu buộc tội Kissinger là đã thông đồng với LX và TC để bán đứng MNVN. Đến năm 2006 khi Tài liệu mật của Văn khố Quốc gia HK được công bố, có ghi lại cuộc đối thoại giữa Kissinger và TT Chu Ân Lai tại Bắc Kinh ngày 20/6/1972, dư luận cho rằng Kissinger đã phản bội VNCH khi ông ta cam kết với Chu Ân Lai: “Mặc dù chúng tôi không thể đưa một chính quyền CS lên nắm quyền lực, nhưng nếu nó xảy ra sau một thời gian nào đó, như là kết quả của một diễn biến lịch sử, và nếu chúng tôi có thể chấp nhận một chính quyển CS ở Trung Hoa thì chúng tôi phải chấp nhận nó ở Đông Dương” (While we cannot bring a communist government to power, if, as a result of historical evolution it should happen over a period of time, if we can live with a communist government in China, we ought to be able to accept it in Indochina)

 

Bốn năm sau biến cố 30/4/1975, đến lượt CSVN công bố tài liệu “Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”. Hà Nội tố cáo Trung Quốc trong 30 năm qua, từ 1949 đến 1979, đã ba lần phản bội nhân dân VN: lần 1 tại hội nghị Genève 1954. Lần 2 trong cuộc chiến tranh “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Lần 3: Sau khi nhân dân VN “giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất nước nhà”. “Ba lần họ phản bội VN, lần sau độc ác, bẩn thỉu hơn lần trước”. 

 

Tài liệu trên là văn kiện chính thức của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 4/10/1979. Trước đó, hồi đầu năm 1979, lãnh tụ TQ là Đặng Tiểu Bình đã lên án CSVN là “phường vong ân bội nghĩa” và ra lịnh tấn công ngày 17/2/1979 “để dạy cho Việt Nam một bài học”và thề trừng phạt VN cho đến chết.

 

Năm 1982, Thượng tướng Trần Văn Trà xuất bản hồi ký 5 tập “Kết thúc cuộc chiến 30 năm” để chống lại những lập luận của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong tác phầm “Mùa Xuân đại thắng”. Trà cho rằng tập đoàn Cộng sản miền Bắc đã cướp công của Mặt trận B2 (Lãnh thổ chính của Mặt trận GPMN từ Đắc Lắc, Bình Thuận trở vào) trong chiến thắng 30/4/1975. Vào ngày này, TT Dương Văn Minh mời đại diện Mặt trận GPMN vào Saìgòn nhận bàn giao, không ai thấy LS Nguyễn Hữu Thọ -Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chính phủ hoặc  KTS Huỳnh Tấn Phá -Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN xuất hiện, chỉ thấy bộ đội Bắc Việt kè súng buộc ông Minh đầu hàng. Ba tháng sau, Hà Nội tổ chức Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước. Lãnh đạo hai đoàn đại biểu miền Bắc và miền Nam đều là ủy viên Bộ chính trị Đảng CSVN với Trường Chinh và Hoàng văn Hoan đại diện miền Bắc, Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh đại diện miền Nam. Sau đó MTGPMN bị giải tán. Như vậy, đó cũng là hành động phản bội của CSBV đối với MTGPMN.

 

Biến cố 30/4/1975 mà các bên VN đều cho rằng mình bị đồng minh, hoặc đàn anh phản bội. Vì thế người viết xin tóm lược những biến cố nào xảy ra trước đó đã dẫn đến biến cố lịch sử này.

 

Phần I b: Bối cảnh nào đưa Miền Nam tự do đến chỗ sụp đổ?

 

Trước khi hội nghị Genève năm 1954 khai mạc, trưởng đoàn HK là Ngoại trưởng HK Foster Dulles chỉ chú tâm vào việc thành lập Hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh: “Đông Nam Á là vùng then chốt trong chiến lược của các cường quốc Tây phương, đòi hỏi một sự hợp tác và hành động chung, chớ không thể giao trong tay một cường quốc nào. Trong trường hợp Pháp và Trung Cộng đi đến một thỏa thuận chia cắt Đông Dương thì Minh ước phòng thủ Đông Nam Á sẽ được thành lập”. Dulles hy vọng tổ chức quân sự này sẽ ngăn chận được mưu đồ bành trướng của Trung Cộng, bảo vệ hòa bình và an ninh ở ĐNÁ, vì mục tiêu của Mỹ là tránh tham chiến ở đây.

 

Bộ trưởng ngoại giao các cường quốc tham dự Hội nghị Genève 1954 gồm 4 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô) và Trung Cộng đã quyết định chấm dứt chiến tranh Đông Dương bằng cách chia cắt ảnh hưởng 3 nước Đông Dương để bảo vệ hòa bình thế giới. Việt Nam sở dĩ bị chia đôi, xuất phát từ mối xung đột Quốc Cộng đã tạo ra chiến tranh. Hai bên đều được sự hậu thuẩn và yểm trợ của hai khối thù nghịch: Cộng sản và Thế giới tự do. Còn hai nước láng gìềng Lào và Cam Bốt không có xung đột nội bộ, nên đứng ngoài ảnh hưởng của hai thế giới thù địch, ở thế trung lập.

 

Hội nghị Genève 1954 sẽ đi đến quyết định chia đôi VN, nên Ngoại trưởng Foster Dulles không trực tiếp tham dự hội nghị như ngoại trưởng các nước Anh Pháp, LX và TC. Trưởng phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng ngoại giao -Đại tướng Bedell Smith. Khi hội nghị kết thúc, HK tuyên bố sẽ không ký tên vào bản Tuyên bố bế mạc hội nghị. Vì hòa bình thế giới, HK chấp nhận giải pháp ngừng bắn tức khắc, chấm dứt chiến sự, nhưng HK không chấp nhận giải pháp chia cắt chỉ có nhằm xoa dịu các cường quốc. HK chỉ bằng lòng phổ biến một Tuyên bố riêng xác định: “Cam kết tôn trọng những điều khoản của hiệp định, hứa sẽ không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để làm thay đổi thỏa ước. Về vấn đề tuyển cử tự do, HK cho rằng nếu sự chia cắt lãnh thổ phản lại ý nguyện của người dân bản xứ thì HK sẽ tìm kiếm sự thống nhất lãnh thổ qua một cuộc tuyển cử tự do do LHQ giám sát, nhằm bảo đảm cho người dân được hành xử quyền chọn lựa của mình một cách trung thực”.

 

Vì HK từ chối không ký tên, nên các phái đoàn đồng ý xóa bỏ vấn đề chữ ký, chỉ kể ra trên những dòng đầu của Bản tuyên bố cuối cùng danh sách các nước tham dự hội nghị.

 

Sau HĐ Genève 1954, HK thúc hối Pháp thực hiện lời cam kết rút khỏi Đông Dương, đồng thời triệu tập hội nghị Manila tháng 9/1954 thành lập Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) gồm 8 nước Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Hồi Quốc, Thái Lan và Phi Luật Tân; đặt MNVN, Lào và Cam Bốt vào khu vực bảo hộ của tổ chức quốc tế này. Sau đó, HK mới chính thức cam kết với Nam Việt Nam qua bức thư đề ngày 23/10/1954 của Tổng thống Eisenhower gởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm HK xác định mục tiêu của Mỹ là: “Giúp MNVN bằng viện trợ để duy trì và phát triển một nhà nước tự do có sức sống mạnh, có khả năng chống trả lại những mưu toan khởi loạn hoặc xâm lược bằng vũ lực”.

 

Cuối năm 1960, CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần III, phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam để tăng cường phe xã hội chủ nghĩa. Từ đó HK mới chính thức gởi cố vấn quân sự đến giúp VNCH. Đến đầu năm 1965, các cán bộ CS Việt Minh tập kết ra miền Bắc đã trở về Nam cộng với sự chi viện mạnh của Hà Nội về người và vũ khí, lực lượng vũ trang của MTGPMN trở nên hùng hậu. Tại trận Bình Giả (Phước Tuy) từ cuối tháng 12/1964 đến đầu tháng Giêng 1965, một bộ phận thuộc Sư đoàn Công trường 9 Việt Cộng tấn công vào một khu vực được xem là hậu cứ an toàn của quân chính phủ, liên tiếp xa luân chiến với 7, 8 tiểu đoàn TQLC, Nhảy Dù và Biệt Động Quân được thiết giáp và phi pháo yểm trợ.

 

Đến thời điểm này, như nhận xét của một ký giả Mỹ “thì chỉ còn một khả năng có thể ngăn chận sự sụp đổ của chế độ Sàigòn…đó là sự can thiệp trực tiếp của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Một cuộc chiến tranh lớn trên bộ và trên không của Mỹ ở Việt Nam không thể nào tránh được” (Neil Sheehan, A Bright Shinning Lie, Picador, London, 1990, P.382)

 

Để cứu VNCH đang bên bờ vực sụp đổ, tháng Ba 1965, Mỹ cho đổ bộ lên Đà Nẳng hai tiểu đoàn TQLC. Từ đó HK dùng hai gọng kềm: tăng quân vào MN và dội bom Miền Bắc để áp lực Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán, tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Cuối cùng HK đạt được mục tiêu. Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gặp nhau tại hội nghị Paris từ 13/5/1968. Đến đầu năm 1969, hội nghị hai bên được mở rộng có sự tham dự của chính phủ hai bên miền Nam Việt Nam. Đó là VNCH và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN (MTGPMN). Trong hội nghị bốn bên ở Paris hồi giữa tháng 5/1969, Trưởng đoàn MTGP là Trần Bửu Kiếm đưa ra đề nghị: “Công việc nội bộ miền Nam sẽ do nhân dân MNVN quyết định, không có sự can thiệp từ ngoài”. Do đó, từ tháng 8/1969 bắt đầu rút quân khỏi VN theo một lịch trình sắp sẳn.

 

HK cũng yêu cầu Hà Nội rút quân của họ trở về Bắc, theo kế hoạch song phương đồng rút quân…Nhưng Lê Đức Thọ luôn khước từ. Ông lập luận rằng: quân Mỹ thì rút về Mỹ, còn quân VN trú đóng ở VN, chớ rút về đâu? Nếu HK không chấp nhận, cứ tiếp tục chiến tranh, VN sẽ trường kỳ kháng chiến chống Mỹ.

 

Hà Nội không chấp nhận ‘công việc nội bộ MN sẽ do nhân dân MN quyết định” nên chủ trương “vừa đánh, vừa đàm”. Họ chờ khi HK rút gần hết quân, sẽ mở cuộc tổng tấn công để giành chiến thắng. Cuối tháng 3/1972 CSBV huy động 14 sư đoàn, 26 trung đoàn độc lập và trên 700 xe tăng mở cuộc tấn công qui mô trong thời điểm quân Mỹ rút đi gần hết và tại HK đang chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống mà khuynh hướng chủ hòa đang bao trùm trong dư luận.

 

Sáng ngày 30/3/1972, ba sư đoàn Cộng quân BV được 200 chiến xa và các đơn vị pháo 130 ly yểm trợ vượt vĩ tuyến 17 tiến về phía Nam khu phi quân sự. Trước áp lực quá mạnh của cộng quân, tướng Vũ Văn Giai, tư lịnh Sư đoàn 3 bộ binh rút bộ tư lịnh Sư đoàn từ căn cứ Ái Tử về Cổ thành Quảng Trị để tử thủ. Tại chiến trường trọng điểm bao quanh Sàigòn, cộng quân điều động 3 sư đoàn bộ binh được 2 trung đoàn chiến xa phối hợp với 4 trung đoàn pháo và nhiều đơn vị đặc công đánh chiếm quận lỵ Lộc Ninh ngày 7/4/1972. Sau đó chúng tiến theo Quốc lộ 13 bao vây An Lộc tỉnh lỵ Bình Long. Tại Cao nguyên, Cộng quân tấn công Dakto, tràn ngập Bộ chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22 bộ binh ở Tân Cảnh. Tại Bình Định, 3 sư đoàn chủ lực Quân khu 5 CS chiếm 3 quận dọc miền duyên hải.

 

Cuộc tấn công mùa Hè 1972 là cơ hội giúp TT Nixon mở lại các cuộc oanh kích miền Bắc đã được TT Johnson ra lịnh đình chỉ từ cuối tháng 10/1969 để khai thông cuộc đàm phán 4 bên ở Paris. Ngày 8/5/1972 TT Nixon ra lịnh phong tỏa, rải mìn xuống các hải lộ đi vào các cảng của BV ở Hà Nội và Hải Phòng nhằm ngăn cản việc tiếp liệu bằng đường biển của các nước CS giúp Hà Nội.

 

Trước áp lực mạnh của HK để kết thúc chiến tranh và do thúc ép của Trung Cộng cộng với tình hình chính trị tại Mỹ cho thấy Nixon đang dẫn đầu hơn ứng cử viên bồ câu McGovern hơn 30% phiếu thăm dò, chắc chắn ông ta sẽ tái đắc cử vào ngày 7/11/1972…nên hành động tốt nhất đối với BV là chấp nhận đàm phán trước với chính quyền Nixon hơn là đợi đến kết quả bầu cử. Do đó cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tiếp tục trở lại. Lần này Hà Nội tỏ ra hòa hoãn với những đề nghị tiến bộ hơn nhiều, họ không còn đòi loại bỏ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

 

Trong cuộc mật đàm lần thứ 19 hồi giữa tháng 9/1972 lần đầu tiên BV đồng ý một cuộc ngưng bắn tại chỗ với một giải pháp chính trị cho MN. Họ nhấn mạnh đến “nguyên tắc giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam VN là phải xuất phát từ tình hình thực tế có hai chính quyền và các lực lượng chính trị khác. Do đó cần thành lập ở MNVN một chính phủ hòa hợp dân tộc lâm thời gồm 3 thành phần ngang nhau để đảm đang mọi công việc trong thời gian quá độ để tổ chức tổng tuyển cử thực sự tự do dân chủ”. Ngày 8/10/1972 Hà Nội đưa ra bản dự thảo hiệp định, gần như họ đồng ý tất cả các đề nghị của HK. Bản dự thảo hiệp định được Kissinger thông qua.

 

Vấn đề duy nhất mà Hà Nội không nhượng bộ là việc rút quân của họ khỏi MN. Nixon rằng “HK không có cách nào bắt buộc BV phải nhượng bộ điểm này”. Theo ông “dù VNCH có xoay ngược được thế cờ, tái chiếm Quảng Trị và cố thủ Bình Long nhưng BV vẫn còn chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn ở MN dọc theo khu phi quân sự và trên vùng cao nguyên. Nếu đi đến hòa giải lại đòi BV phải cho không những lãnh thổ mà VNCH không thể giành lại được, thì BV sẽ chọn con đường thà đừng đi tới hoà giải còn hơn”. Để giải quyết vấn đề này, HK chỉ đòi Hà Nội hứa sẽ không đưa quân vào MN nữa. Đòi hỏi của HK được Hà Nội đồng ý, họ sẽ phục viên tại chỗ số quân này sau chiến tranh.

 

Theo lịch trình, ngày 18/10/1972 Kissinger sẽ mang bản dự thảo hiệp định sang Sàigòn để tham khảo với chính phủ VNCH. Sau khi được Sàigòn chấp nhận, HK và BV sẽ phê chuẩn hiệp định. Sau 5 ngày không thuyết phục được Sàigòn vì TT Thiệu đòi thay đổi 69 điểm, sau bớt lại còn 23 điểm trong bản dự thảo. Kissinger gởi điện báo cho TT Phạm Văn Đồng là ông ta không thể đến Hà Nội vào cuối tháng 10/1972 để phê chuẩn hiệp định. Một số điểm trong bản dự thảo được sửa đổi theo yêu cầu của TT Thiệu, nhưng sau đó Hà Nội lại ngưng họp, HK phải dùng B52 oanh tạc Hải Phòng, Hà Nội 12 ngày đêm trong mùa Giáng sinh 1972. Hà Nội trở lại bàn phán và ký kết HĐ Paris ngày 27/1/1973.

 

Như đã trình bày ở trên, mục tiêu của HK là ngăn chận mưu đồ bành trướng của TC ở ĐNÁ. Nhờ chiến tranh VN, vào đầu thập niên 1970 HK đã hình thành xong vòng đai bao quanh TQ. Ngoại trừ Nhật, Singapore, Mã Lai, Úc và Tân Tây Lan vốn là đồng minh hay thân hữu của Mỹ các nước còn lại đều do các tướng lãnh thân Mỹ lãnh đạo như Đại Hàn (Trung tướng Pak Chung Hee), Đài Loan (Thống chế Tưởng Giới Thạch), Phi Luật Tân (Đại tướng Ferdinand Markos), Nam Dương (Đại tướng Suharto), Cam Bốt (Đại tướng Lon Nol) Thái Lan (Thống chế Kittykachorn) Việt Nam (Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu).

 

Tuy đã bao vây TC, song HK vẫn tìm cách nâng cao uy thế chính trị quốc gia này trên chính trường quốc tế. HK không dùng quyền phủ quyết giúp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập LHQ và trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An (1971). Nhờ đó, cuối tháng Hai 1972 Nixon đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và sau đó đến LX gặp Breznhev vào tháng 5/1972. HK đã mặc nhiên thừa nhận Bắc Kinh như là lãnh tụ Thế giới thứ ba mà Mao thường tự nhận, tạo thế “Ba chân vạc” để bảo vệ hòa bình thế giới. Từ tháng 6/1972 Kissinger đến Bắc Kinh thuyết phục TT Chu Ân Lai tán đồng HĐ Paris 1973 và áp lực Hà Nội ký kết.

 

TQ sẳn sàng giúp Mỹ kết thúc chiến tranh VN, vì điều này phù hợp với lợi ích của TQ. Chiến tranh VN chấm dứt, HK rút khỏi ĐNÁ. Và HĐ Paris 1973 sẽ dẫn đến một miền Nam VN trung lập như Lào và Cam Bốt. Như vậy mưu đồ của Lê Duẩn bành trướng ảnh hưởng của LX ở ĐNÁ sẽ bị phá sản.

 

TQ không mong muốn gì hơn, khi chiến tranh VN chấm dứt, ĐNÁ trung lập, không bị ảnh hưởng của HK lẫn LX. Sau khi HĐ Paris 1973 được ký kết, tháng 6/ 1973 đích thân Chu Ân Lai đến Hà Nội khuyến cáo VN nên thư giản, để MNVN, Lào và Kampuchia được hòa bình và trung lập trong một thời gian dài. Lê Duẩn trả lời “đây là âm mưu của Mỹ, như vậy đồng chí đã phản bội chúng tôi, nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ giải phóng miền Nam và thống nhất VN”.

 

Biết được ý định của Hà Nội trong khi Quốc hội Mỹ ngày càng giảm viện trợ cho VNCH để áp lực TT Thiệu thi hành hiệp định Paris, nhưng ông Thiệu sẽ không bao giờ thi hành. Theo chiều hướng này, Hà Nội sẽ chiến thắng.và LX sẽ chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa để khống chế biển Đông. Đó là nguy cơ lớn đối với TQ khi HK rút khỏi ĐNÁ. Vì thế TQ ra tay trước, tháng Giêng 1974 họ đánh chiếm Hoàng Sa.

 

Về phần HK, dù biết CSVN quyết tâm thôn tính MNVN, song chính quyền Nixon vẫn còn cố gắng giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình. Ngày 20/2/1974 Kissinger lại sang Paris gặp gỡ Lê Đức Thọ. Trong cuộc mật đàm lần này có sự hiện diện của Martin Đại sứ Mỹ ở Sàigòn, Kissinger yêu cầu Hà Nội hợp tác với Mỹ thúc đẩy hai bên MNVN ngồi lại với nhau. Ông đề nghị bước đầu Việt Cộng hãy ngưng bắn ở vùng 3 và 4. VNCH sẽ công nhận Việt Cộng kiểm soát ở vùng 1 và 2. Ý ông muốn nói ở hai vùng này Việt Cộng kiểm soát được nhiều đất thì sẽ nhường cho VC, chỉ trừ Huế và Đà Nẳng.

 

Trở lại Sàigòn, đại sứ Martin thúc hối TT Thiệu thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc và thừa nhận việc phân chia lãnh thổ mà Kissinger đã đề nghị với Lê Đức Thọ. Ngoài ra được sự đồng ý của Tòa Bạch Ốc, Martin nhờ đại sứ Ba Lan trong Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ngưng bắn chuyển đến Hà Nội một điệp văn, kêu gọi giới lãnh đạo BV hưởng ứng đề nghị của Kissinger để chấm dứt cuộc chiến ở Miền Nam VN. (Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Gia Nã Đại, 1979, Tr. 161/2)

 

Việc rút bỏ Vùng 1 và 2 của TT Thiệu hồi giữa tháng 3/1975 nếu đáp ứng kế hoạch trên của HK, có thể lịch sử đã chuyển sang một hướng khác tốt đẹp hơn cho dân tộc. Nhưng vì “lập trường bốn không” (không thừa nhận cộng sản, không trung lập hóa miền Nam, không lập chính phủ liên hiệp, không nhượng đất cho cộng sản) vào giờ phút chót, TT Thiệu tìm cách “trả đũa” hành động phản bội đồng minh của Mỹ.

 

Từ 1968, HK đã công nhận MTGPMN, dàn xếp để VNCH ngang hàng với MTGP tại hội nghị Paris và La Celle Saint Cloud, và nay đề nghị VNCH nhường cho Mặt trận vùng 1 và 2 để tiến tới thành lập chính phủ liên hiệp và trung lập hóa Miền Nam. Vì thế, TT Thiệu chống lại đề nghị hòa bình của Mỹ, không giao một nữa lãnh thổ miền Nam cho Mặt trận GP, mà để cho CSBV thôn tính. Rồi ông trách khéo Mỹ: “viện trợ nhiều thì giữ nhiều, viện trợ ít thì giữ ít”. Sau đó, đến lượt Lê Duẩn “thách thức” đàn anh Chu Ân Lai “chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

 

Hậu quả là hoàng hôn ảm đạm phủ trùm lên đất nước. Sau ngày 30/4/1975, trong cảnh màn đêm đen tối, những người ưu tư đến tiền đồ dân tộc luôn trăn trở vì vận nước. Không ngũ được vì mãi luận suy về lẽ thắng bại và sự tồn vong của đất nước, mới thấy đêm dài. Gần 40 năm sau, ánh bình minh ló dạng khi đồng bào và giới lãnh đạo ý thức được quyền lợi tối thượng của Dân tộc.

 

Lê Quế Lâm

 

Xin quý thân hữu đón đọc bài kế tiếp (11/4) “Từ buổi hoàng hôn của Đất nước đến buổi bình minh của Dân tộc (30/4/1975-2014) Phần II: Thắng Và Bại. Tiểu mục A: HK phản bội hay giúp đồng minh chiến thắng trong hòa bình? (LQL)

 

 

 

TỪ BUỔI HOÀNG HÔN CỦA ĐẤT NƯỚC ĐẾN BUỔI BÌNH MINH CỦA DÂN TỘC

 

(30/4/75 - 2014)

PHẦN 2: Phần II: Thắng Và Bại

Lê Quế Lâm

 

Sau ngày 30/4/1975, trong cảnh màn đêm đen tối, những người ưu tư đến tiền đồ dân tộc luôn trăn trở vì vận nước. Không ngủ được vì mãi luận suy về lẽ thắng bại của cuộc chiến vừa kết thúc, ưu tư về sự tồn vong của đất nước ở ngày mai. Rồi nghĩ miên man đến qui luật bất di bất dịch của luật nhân quả. Thắng, bại đều do con người tạo ra, tạo nhân gì tất gặt quả nấy, không thể nào tránh được. Đó là tính tất yếu của lịch sử. Thức khuya mới thấy đêm dài. Đêm của đất nước kéo dài gần 40 năm. Mái tóc đầu hôm còn đen, đến rạng sáng đã bạc trắng, người viết mới thấy bình minh của Dân tộc bắt đầu ló dạng khi giới lãnh đạo ý thức được quyền lợi tối thượng của Dân tộc. 

 

A: HK phản bội hay giúp đồng minh chiến thắng trong hòa bình?

 

Tháng 10/1949, Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đầu năm sau ông Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh cầu viện Mao giúp ông kháng chiến chống Pháp. Đây là cơ hội bằng vàng để Mao thu hồi lại phần đất An Nam mà ông ta cho rằng trước đây thuộc Trung Quốc, nhưng bị thực dân Pháp cưỡng đoạt hồi giữa thế kỷ 19. Sau khi giúp CSVN đánh bại Pháp, Mao sẽ dùng Đông Dương làm bàn đạp để chiếm lại các nước Đông Nam Á mà Mao cho rằng đã bị đế quốc Anh và Hòa Lan thôn tính.

Bảo vệ các nước ĐNÁ khỏi bị TC xâm chiếm là mối quan tâm lớn của Mỹ hồi giữa thập niên 1950. Do đó, khi các cường quốc chuẩn bị nhóm họp ở Genève để chấm dứt chiến tranh Đông Dương, thì Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles chuẩn bị thành lập Liên phòng ĐNÁ (SEATO). Như đã trình bày trong phần I, nhờ can dự vào chiến tranh VN để bảo vệ miền Nam tự do, đến đầu thập niên 1970 TC đã bị các đồng minh của HK bao vây chặt chẽ. Trong tình thế đó, HK tìm cách nâng cao vai trò của đất nước có dân số đông nhất thế giới, giúp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập LHQ, trở thành Hội viên thường trực Hội đồng Bảo An để mở đường cho việc bình thường hóa bang giao với cường quốc CS này. Để đáp lại, TC hậu thuẫn Mỹ kết thúc chiến tranh VN, đích thân TT Chu Ân Lai đến Hà Nội khuyến cáo Tổng bí thư Lê Duẩn nên tuân thủ HĐ Paris 1973.

 

Mục tiêu bảo vệ ĐNÁ đã hoàn tất, HK rút lui sau khi HĐ Paris 1973 ra đời với sự tán đồng của một hội nghị quốc tế về VN, có sự hiện diện của cả 5 hội viên thường trực Hội đồng Bảo An và ông Tổng thư ký LHQ. Như vậy không thể nói HK đã phản bội đồng minh. Nhiều người còn nhắc đến những lá thư của TT Nixon luôn cam kết với TT Thiệu: “Nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của hiệp định này thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt”. Nhưng từ khi hiệp định hòa bình được ký kết đến khi MN rơi vào tay CS không thấy HK có những hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt. Như vậy, TT Nixon đã phản bội, dùng những lời lẽ trên để VNCH an tâm ký vào hiệp định, sau đó bán đứng MN tự do cho CS.

 

Trong tác phẩm Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, tác giả T/s Nguyễn Tiến Hưng đã tiết lộ hầu hết hơn 30 lá thư của TT Nixon gởi TT Thiệu từ bức thư đầu tiên đề ngày 31/12/1971 đến lá thư cuối cùng đề ngày 13/6/1973. Đọc các thư này sẽ thấy TT Nixon luôn yêu cầu TT Thiệu cùng với Mỹ tuân hành nghiêm chỉnh HĐ Paris 1973. Nếu Hà Nội không thi hành thì HK sẽ có những hành động quyết liệt để bảo vệ hòa bình. Nhưng rất tiếc có sự mâu thuẫn giữa Nixon và Thiệu về hòa bình và chiến tranh.

 

Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 quân số HK ở VN lên đến cao điểm 543 ngàn trong khi quân CSBV đã bị đánh bật sang bên kia biên giới Cam Bốt. Với một triệu quân, QLVNCH án ngữ khắp nơi để yểm trợ chương trình bình định, nền an ninh ở nông thôn được vãn hồi mau chóng, giúp chính phủ hoàn thành tốt đẹp chương trình “người cày có ruộng”. Trong tình thế sáng sủa đó, HK đứng ra trực tiếp đàm phán với Bắc Việt để giải quyết cuộc chiến ở miền Nam. Vấn đề này, theo TT Thiệu là phần vụ của chính phủ VNCH, nhưng HK lại ép chính phủ ông ngồi vào bàn thương thuyết, ngang hàng với Mặt trận GPMN. Chính vì vậy TT Thiệu cương quyết với “lập trường bốn không” chống đối việc ký kết một hiệp định -quyết định tương lai miền Nam, lại do HK và BV đạo diễn. Cả hai thế lực này đều tố cáo lẫn nhau là thủ phạm gây ra cuộc chiến xâm lược miền Nam. (*Bốn không: không thừa nhận cộng sản, không trung lập hóa miền Nam, không thành lập chính phủ liên hiệp, không nhượng đất cho cộng sản)

 

TT Thiệu càng mất tin tưởng hơn khi thấy TT Nixon đi thăm Hoa Lục và chỉ 8 tháng sau HK kết thúc chiến tranh bằng HĐ Paris 1973. Ông nghĩ rằng sau khi bắt tay với TC, nắm được thị trường rộng lớn này, cũng như hiểm họa bành trướng xâm lược của Bắc Kinh không còn đáng ngại, thì miền Nam tự do không còn quan trọng đối với quyền lợi của HK. Từ đó ông lên án Mỹ phản bội đồng minh, ký HĐ Paris 1973 là để bán đứng miền Nam cho CS, vì thế ông chống đối hiệp định đến cùng.

 

Trong khi đó, ai cũng thấy VNCH không có khả năng chiến thắng CS về mặt quân sự. MN tự do chỉ có thể giành được thắng lợi về mặt chính trị trong hòa bình. Vì thế, sự can thiệp và viện trợ của HK là nhằm mang lại hòa bình cho VN. Với hơn nửa triệu quân Mỹ cùng  50 ngàn quân đồng minh và gần một triệu quân VNCH, chiến đấu 3 năm liên tục mới áp lực được BV đến bàn đàm phán. Sau đó Hà Nội chủ trương “vừa đánh vừa đàm” kéo dài chiến tranh, để nhân dân Mỹ không còn nhẫn nại tiếp tục cuộc chiến. HK phải tái oanh tạc, rải mìn phong tỏa các thủy lộ dẫn vào các cảng lớn ở miền Bắc. Hà Nội mới chịu dự thảo hiệp định chấm dứt chiến tranh. Rồi sau đó, ngưng  đàm phán, buộc Mỹ phải dùng B52 oanh tạc miền Bắc trong mùa Giáng sinh 1972, Hà Nội mới chấp nhận ký kết HĐ Paris 1973.

 

Ngày 18/10/1972, Ts Kissinger đã mang bản dự thảo hiệp định Paris sang Sàigòn tham thảo với chính phủ VNCH cùng với lá thư của TT Nixon gởi TT Thiệu. Sau đây là vài đoạn chính của lá thư:

 

 “Như Ngài biết, suốt 4 năm dưới quyền tôi, HK đã đứng vững đằng sau chính phủ Ngài cùng nhân dân VNCH và ủng hộ sự đấu tranh dũng cảm của họ nhằm chống xâm lăng và bảo tồn quyền tự quyết về tương lai chính trị của mình… Tại bàn thương thuyết chúng tôi đã luôn luôn bám chặt lấy nguyên tắc là không bao giờ thương lượng với BV một giải pháp nào có thể định đoạt trước tương lai chính trị của MN. Chúng tôi trước sau vẫn triệt để tôn trọng lập trường là duy trì chính phủ dân cử và bảo đảm cho nhân dân tự do VN cơ hội quyết định tương lai mình…

 

“Tôi tin chắc rằng sự thực thi (hiệp định ấy) sẽ cho phép Ngài và dân tộc Ngài có thể tự bảo vệ và quyết định vận mạng chính trị của MNVN. Riêng đối với tôi, thì điều khoản quan trọng nhất của hiệp định, ngoài những khía cạnh quân sự của nó, là chính phủ Ngài cùng quân lực và những định chế chính trị của VNCH sẽ còn nguyên vẹn sau khi cuộc ngưng bắn đã được tôn trọng. Trong thời kỳ tiếp theo đình chiến, Ngài có thể được hoàn toàn an tâm là chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho chính phủ Ngài sự yểm trợ đầy đủ nhất, kể cả viện trợ kinh tế và bất cứ viện trợ quân sự nào phù hợp với những điều khoản đình chiến của Hiệp định này…

 

“Tất cả chúng ta đều công nhận rằng cuộc xung đột giờ đây sẽ chuyển đến một hình thức khác, một hình thức đấu tranh chính trị, nhưng tôi tin chắc với sự khôn ngoan và kiên trì, chính phủ Ngài cũng như nhân dân NVN sẽ đáp ứng được thử thách mới đó… Sau hết chúng tôi phải nói rằng, nếu như ta đã có thể mạo hiểm trong chiến tranh, thì tôi tin là ta cũng phải mạo hiểm trong hòa bình. Ý định của chúng tôi là quyết tâm tôn trọng các điều khoản trong các hiệp định và thỏa thuận ký kết với Hà Nội, và tôi biết rằng đó cũng là thái độ của chính phủ Ngài. Chúng tôi đòi hỏi phải có qua có lại, và đã cảnh giác cho cả họ lẫn các đồng minh của họ biết rõ như thế. Tôi xin cam kết với Ngài rằng bất cứ một sự bội tín nào về phía họ cũng sẽ bị chúng tôi lên án khắt khe nhất và nó sẽ có những hậu quả trầm trọng nhất”.

 

TT Thiệu cực lực bác bỏ bản dự thảo hiệp định. Lúc đầu ông đòi sửa đổi 69 điểm trong bản dự thảo, nhưng sau mấy ngày thảo luận, ông chỉ còn đòi sửa đổi 23 điểm. Những đòi hỏi cứng rắn của ông Thiệu khiến Kissinger nổi nóng. Ông ta cho rằng đã thành công ở Bắc Kinh, ở Mạc Tư Khoa, ở Bá Lê mà bây giờ Thiệu lại trở thành “chướng ngại cho hòa bình”.  Thiệu liền trách Kissinger “thông đồng với LX và TC bán đứng MNVN”.

 

Kissinger biện minh: “làm sao Ngài có thể quan niệm được như vậy khi TT Nixon ngày 8/5 đã liều cả tương lai và chính trị của mình để giúp Ngài. Chúng tôi thảo luận với Xô Viết và TQ, đó là để áp lực với họ, để họ làm áp lực với Hà Nội. Chúng tôi thực tâm tin rằng bản hiệp định đề nghị này bảo tồn được nền tự do của MN, còn về chi tiết, chúng tôi đã không công nhận quyền BV được ở lại MN. Giá như chúng tôi muốn bán đứng quí vị, thì chắc đã có nhiều cách dễ dàng hơn để hoàn thành việc đó rồi”. (Ghi chú của người viết: Ngày 8/5/1972 Nixon ra lịnh tái oanh tạc, thả mìn xuống các thủy lộ ở miền Bắc. Hành động này có thể khiến Brezhnev đình chỉ cuộc họp thượng đỉnh với Nixon ngày 20/5/1972 để ký kết thỏa ước “hạn chế vũ khí tấn công chiến lược” tức SALT)

 

Kissinger đã lưu lại Sàigòn 5 ngày để thuyết phục VNCH thỏa thuận bản dự thảo hiệp định, nhưng không thành công. Sau đó, TT Nixon gởi điện báo cho TT Phạm Văn Đồng biết vì sự chống đối của VNCH, bản dự thảo hiệp định sẽ được Kissinger và Lê Đức Thọ thảo luận lại sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 7/11/1972.

 

Ngay sau khi tái đắc cử, Nixon gởi cho Thiệu bức thư đề ngày 18/11/1972. Trong thư Nixon xác định rõ với Thiệu: “Tôi muốn được cộng tác với Ngài và chính phủ Ngài trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi để bảo vệ tự do tại MN trong thời bình”. Nixon đoan quyết với Thiệu là “hiệp định Paris sẽ bảo vệ nền độc lập của NVN và cho phép nhân dân VN quyết định lấy tương lai chính trị của mình”. Nixon đưa ra 2 con đường mà Thiệu có thể chọn: Một là cộng tác với HK để mang lại thắng lợi chính trị do những điều kiện của hiệp định mang đến. Hai là tiếp tục con đường riêng của Thiệu (không thi hành hiệp định), trong trường hợp này HK phải trù liệu các hành động khác mà Nixon tin chắc là sẽ thiệt hại cho quyền lợi của VNCH và của Mỹ.

 

Ngày 17/12/1972 Nixon ra lịnh cho B52 tái oanh tạc miền Bắc và thả mìn xuống hải cảng Hải Phòng. Cùng ngày này Nixon cử tướng Haig sang Sàigòn trao cho Thiệu lá thư với lời lẽ được mô tả là gay gắt nhất từ trước đến nay. Nixon viết rằng “Đã đến lúc chúng ta phải biểu dương một mặt trận đoàn kết trong lúc thương lượng với kẻ địch, và Ngài phải quyết định ngay bây giờ là có muốn tiếp tục liên minh với chúng tôi hay không, hay Ngài muốn tôi đi tìm một thỏa hiệp riêng với kẻ địch, để chỉ phục vụ quyền lợi cho HK mà thôi”.

 

Sau trận oanh tạc miền Bắc trong mùa Giáng sinh 1972, Hà Nội đồng ý trở lại bàn đàm phán ngày 8/1/1973. Trước đó ba ngày, Nixon lại gởi thư nhắc nhở Thiệu: “hậu quả trầm trọng nhất sẽ xảy ra nếu như chính phủ Ngài tự ý bác bỏ hiệp định và tách rời khỏi HK…Sự khước từ tiếp tay với chúng tôi của Ngài sẽ là một sự chuốc lấy thảm họa, nó sẽ phá hủy tất cả những gì mà chúng ta đã cùng nhau tranh đấu để đạt được trong 10 năm qua. Tôi nhắc lại ở đây những gì tôi thường viết cho Ngài: bảo đảm tốt nhất cho sự tồn tại của MNVN là sự đoàn kết của hai quốc gia chúng ta, sự đoàn kết sẽ bị nguy hại trầm trọng nếu Ngài cứ nhất định đi theo con đường hiện nay của Ngài. Nếu Ngài quyết định và tôi tin tưởng Ngài sẽ quyết định tiếp tay với chúng tôi, tôi xin bảo đảm với Ngài rằng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ Ngài trong giai đoạn hậu chiến, và chúng tôi sẽ đáp ứng bằng toàn thể sức mạnh của HK nếu như BV vi phạm hiệp định. Một lần nữa tôi xin kết thúc thư này bằng lời kêu gọi Ngài hãy sát cánh với chúng tôi”.

 

Ngày 14/1/1973, một lần nữa tướng Haig lại sang Sàigòn với lá thư của Nixon gởi Thiệu: “Tôi nhất quyết cho phê chuẩn hiệp định ngày 23/1 và sẽ ký kết vào ngày 27/1/1973 ở Paris. Tôi sẽ làm việc đó dù phải làm một mình. Trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tố cáo chính phủ của Ngài làm cản trở cho công cuộc vãn hồi hòa bình ở VN. Kết quả không tránh khỏi sẽ là cúp viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức. Tuy nhiên tôi hy vọng rằng sau tất cả những gì cả hai quốc gia chúng ta đã cùng nhau chia sẻ và chịu đựng trong cuộc chiến này, chúng ta sẽ cùng đứng chung lại với nhau để tạo dựng và gặt hái kết quả của hòa bình”.

 

Nhận được thư của Nixon, TT Thiệu vẫn khăng khăng đòi phải sửa đổi một số điểm trong hiệp định sắp ký. Haig đã chuyển những yêu sách của Thiệu mà ông mô tả là “cứng nhắc và không nhượng bộ” về Bạch Cung bằng đường vô tuyến. Nixon đã trả lời Thiệu: “Tự do và độc lập của nước VNCH vẫn luôn luôn là mục tiêu trọng đại trong chính sách ngoại giao HK. Tôi đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt cuộc đời chính trị của tôi và trong 4 năm trời nay, tôi đã lãnh nhiều hậu quả trầm trọng trong nước cũng như ngoài nước vì theo đuổi những mục tiêu này. Chính vì để bảo vệ những mục tiêu chung của chúng ta mà tôi nhất quyết chọn đường lối hành động này. Tôi cả quyết rằng việc từ chối ký bản hiệp định này sẽ đưa đến việc cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH. Nếu Ngài không chịu hợp tác, chính phủ VNCH sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hậu quả của nó”.

 

Trong tuần lễ đầu sau khi hiệp định hòa bình được ký kết, để thực hiện điều 21 giúp BV hàn gắn vết thương chiến tranh, Nixon đã chuyển đến TT Phạm Văn Đồng hai lá thư đề nghị thành lập Ủy ban hỗn hợp kinh tế và đóng góp vào chương trình tái thiết nước VNDCCH với số tiền 3250 triệu đôla. Ngoài ngân khoản trên, chính quyền Nixon còn dự trù viện trợ thêm cho Hà Nội từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đôla thực phẩm và những nhu cầu khác.

 

Về hai bên MNVN, từ ngày 19/3/1973 phái đoàn hai bên đã gặp nhau tại hội nghị La Celle Saint Cloud để sớm ký kết một một bản thỏa hiệp về những vấn đề nội bộ của MNVN. Phái đoàn VNCH chấp nhận cho MTGPMN tham gia vào đời sống chính trị MN bằng cách tham gia cuộc tổng tuyển cử trong vòng 2 hay 3 tháng sau khi quân BV rút khỏi MN, để nhân dân bầu tổng thống và Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tổng thống và Hội đồng sẽ quyết định thể chế mới cho MNVN. Phái đoàn Cộng hòa MNVN bác bỏ đề nghị đó, họ không chịu thảo luận những vấn đề nào không được ghi trong văn bản ký kết. Họ đòi hai bên MNVN chọn người tham gia Hội đồng Quốc gia hòa giải dân tộc chớ không bầu. Hội đồng này sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến và soạn thảo hiến pháp cho MNVN. (Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của VNCH…Tr.155)

 

Từ ngày 17/5 đến 13/6/1973 theo đề nghị của HK, Kissinger và Lê Đức Thọ trở lại bàn họp ở Paris “để tìm cách cải thiện việc thi hành hiệp định Paris”. Trong thời gian này, Nixon đã gởi nhiều thư khuyến cáo Thiệu không nên vi phạm những thỏa hiệp đã ký và phàn nàn thái độ cứng rắn của phái đoàn VNCH ở hội nghị La Celle Saint Cloud. Để thuyết phục VNCH đến Paris ủng hộ bản thông báo chung Mỹ/Bắc Việt trong đó xác định quyết tâm của hai bên sẽ thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, Nixon đã nhắc nhở Thiệu: “Tiến sĩ Kissinger đang ở Paris thương thuyết với BV để tìm cách cải thiện việc thi hành bản hiệp định. Tôi không cần nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc này trước công luận hiện nay. Như Ngài rõ, tôi đã công khai tuyên bố nhất quyết thi hành bản Hiệp định Paris với tất cả uy tín và thiện chí của HK. Ở HK sẽ không ai hiểu nổi vấn đề này nếu bây giờ sự thương thuyết bị thất bại vì những trở ngại ta có thể tránh được.

 

“Tôi xin lập lại rằng ước vọng duy nhất của chúng tôi là muốn thấy bản hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh và thắt chặt tình liên đới với VNCH. Tôi không tin rằng Ngài muốn tôi phải ra trước nhân dân HK để giải thích sự bế tắc của cuộc thương thuyết hiện nay ở Paris. Điều này chắc chắn sẽ đưa tới sự cắt đứt ngân khoản cho Lào và Cam Bốt và cuối cùng là MNVN. Khi ở San Clemente tôi đã nói với Ngài về việc Quốc hội HK viện trợ đầy đủ sẽ khó khăn như thế nào. Tuy nhiên tôi cũng đã trình bày với Ngài rằng chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực, không những xin đầy đủ viện trợ cho những nhu cầu hiện tại của VNCH mà còn yểm trợ cho những kế hoạch kinh tế dài hạn mà Ngài vừa công bố. Nỗ lực này đang tiến hành tốt đẹp và được đặt vào hàng ưu tiên đầu”.

 

Trên đây là lá thư đề ngày 21/5/1973 của Nixon được phụ tá thứ trưởng ngoại giao William Suillivan mang sang Sàigòn để yêu cầu TT Thiệu chấp nhận bản tuyên bố chung Kissinger/LêĐứcThọ. Lần này sự chống đối của Thiệu còn mãnh liệt hơn hồi đầu năm 1973. Trong 3 tuần lễ từ cuối tháng 5/1973 đến đầu tháng 6/1973, Nixon đã gởi cho Thiệu 9 lá thư. Lúc đầu Nixon còn dùng lời lẽ nhẹ nhàng để khuyến dụ Thiệu, nhưng trước sự cứng rắn của Thiệu qua lời phát ngôn viên chính phủ “VNCH sẽ không nhượng bộ một ly nào nữa” Nixon bắt đầu cảnh cáo Thiệu: “Quyết định không ký vào bản tuyên cáo chung sẽ dẫn đến biến cố Quốc hội Mỹ ngăn cản việc dùng ngân khoản viện trợ cho những cuộc hành quân ở Đông Dương và sẽ gây ra thảm họa cho chính Ngài và chính phủ củaNgài. Trong chiều hướng dư luận hiện nay ở HK, tất cả những gì sai lầm, bất kể lý do nào, dường như đều qui lỗi cho chính phủ VNCH”.

 

Cuối cùng với những lời lẽ vô cùng gay gắt, Nixon viết: “Nếu Ngài từ chối thì coi như Ngài từ khước toàn bộ chính sách của tôi vẫn hằng ủng hộ Ngài, quí chính phủ và quí quốc. Nếu Ngài chọn lựa đường lối tiêu cực này, thì chính Ngài đã vạch ra chính sách tương lai của HK đối với VN. Tôi sẽ bắt buộc chiều ý Quốc hội và công luận HK chỉ yểm trợ vừa đủ những nhu cầu có tính nhân đạo cho nhân dân MNVN. Chẳng cần nói dông dài, nỗ lực của chúng tôi trên toàn cõi Đông Dương sẽ chấm dứt. Tôi coi sự lựa chọn của Ngài như chống đối sự phán đoán và cam kết của chính bản thân tôi. Đây không còn là vấn đề của người đi thương thuyết hay của luật sư và chuyên viên. Đây là vấn đề giữa tôi và Ngài. Sự chọn lựa là do Ngài. Xin Ngài hiểu cho rằng tôi sẽ coi tất cả những hành động của Ngài tỉ như đề nghị giải thích, sửa đổi bản văn này nọ, trì hoãn, hay những xoay sở khác của Ngài, là một quyết định của Ngài cố tình chấm dứt mối bang giao hiện hữu giữa hai chính phủ HK và VNCH”.Đây là lá thư cuối cùng của TT Nixon gởi TT Thiệu đề ngày 13/6/1973.

 

Kế hoạch hòa bình VN của Nixon kể như thất bại vì không được sự hợp tác của VNCH. Ngày 29/6/1973 Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chuẩn chi viện trợ cho nước ngoài kèm theo một tu chính án quan trọng của hai Thượng nghị sĩ Clifford P.Case và Frank Church. Đạo luật qui định “không có một kinh phí nào có thể được chi cho việc yểm trợ trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ, trên không hoặc ngoài bờ biển Cam Bốt, Lào, Bắc và Nam VN. Sau ngày 15/8/1973 không có kinh phí nào được cấp trước đây theo bất cứ đạo luật nào khác có thể được chi cho mục đích như vậy”. Hôm sau Nixon ký ban hành đạo luật này và quyết định chấm dứt ném bom Cam Bốt kể từ ngày 15/8/1973. Tu chính án Case-Church, theo nhận xét của tướng Westmoreland TMT Lục quân Mỹ: “đã hoàn toàn trói tay tổng thống đến nỗi ông ta chẳng có thể thực hiện được bất cứ một biện pháp phòng vệ tích cực nào ở ĐNÁ”. Theo ông, Quốc hội HK đã bật đèn xanh cho BV và là dấu hiệu bỏ rơi MNVN.

 

Ngày 7/11/1973 Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về Quyền chiến tranh: “Cấm tổng thống HK đưa Quân lực Mỹ đi chiến đấu ở nước ngoài hơn 60 ngày, nếu không được Quốc hội cho phép”. Thượng nghị sĩ Frank Church còn giải thích rõ: “Oanh tạc trở lại hay lấy bất cứ hành động gây chiến nào khác tại Đông Dương mà không được sự chấp thuận trước của Quốc hội sẽ là vi phạm luật pháp và tạo ra một hoàn cảnh có thể đưa tới sự truy tố”. Đạo luật này theo Nixon và Ford “đã đóng góp vào sự sụp đổ các quốc gia được HK yểm trợ trên bán đảo Đông Dương”. (Nguyễn Tiến Hưng, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập,…Tr.472-474)

 

Ngày 15/11/1973 Hạ viện đã ấn định mức viện trợ quân sự tối đa cho VNCH là 1126 triệu đôla so với 2270 triệu của tài khóa trước. Nhưng khi chung quyết, Quốc hội lại cắt giảm thêm chỉ còn 900 triệu.

 

Trong thời điểm này, tháng 6/1973 TT Chu Ân Lai đến Hà Nội thuyết phục Lê Duẩn thi hành HĐ Paris 1973, để MNVN, Lào và Cam Bốt trong một thời gian dài. Lê Duẩn bác bỏ khuyến cáo trên, tuyên bố sẽ giải phóng MN, thống nhất đất nước. Vì thế TC chuẩn bị đánh chiếm đảo Hoàng Sa. Nếu không hành động ngay, khi CSVN thôn tính xong MN, Liên Xô sẽ chiếm giữ quần đảo chiến lược này, nối liền căn cứ hải quân ở Viễn Đông Vladivostok xuống biển Đông để bao vây TQ về mặt biển.

 

Kế hoạch hòa bình VN gắn liền với sự nghiệp chính trị của TT Nixon. Kế hoạch hòa bình này thất bại sự nghiệp chính trị của Nixon sẽ chấm dứt. Vì thế tháng 2/1974 Nixon chỉ thị Kissinger sang Paris gặp Lê Đức Thọ để yêu cầu Hà Nội hợp tác với Mỹ thúc đẩy hai bên MNVN ngồi lại với nhau, VNCH sẽ giao vùng 1 và 2 cho MTGP như tôi đã trình bày trong Phần I. Đây là cơ hội giúp Thiệu “trả đũa” hành động phản bội đồng minh của Mỹ. Ông không giao một nửa lãnh thổ miền Nam cho Mặt trận GP, mà rút quân để cho CSBV thôn tính. Lấy lý do đó, ông đổ lỗi Mỹ: “viện trợ nhiều thì giữ nhiều, viện trợ ít thì giữ ít”. Ông Thiệu đã lầm: QLVNCH đâu phải là lính đánh thuê cho Mỹ, nhưng ông đã góp phần giúp Hà Nội thống nhất đất nước.

 

Gần đây trong Website của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện nhiều bài tri ân những người lính VN đã ngã xuống vì chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988). Nhắc đến những chiến sĩ Hải quân VNCH hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974, người viết không thể không nhắc đến 25 vạn chiến sĩ Quân Lực VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến tự vệ từ năm 1960 đến 1975. Trong khi đó, một triệu binh sĩ Quân đội NDVN đã “sinh Bắc tử Nam” chỉ vì nghĩa vụ dân tộc, thống nhất đất nước. Họ đâu có ngờ “Việt Nam đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc, cho các nước cộng sản anh em” như lời tự hào của Tổng bí thư Lê Duẩn.

 

Đến khi các nước cộng sản anh em tấn công VN ở biên giới Tây Nam, ở biên giới phía Bắc và cưỡng chiếm Trường Sa năm 1988, lúc đó người lính Quân Đội NDVN mới thực sự chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ khi bị các nước cộng sản tấn công. Trước đó, QLVNCH cũng đã chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ khi bị cộng sản tấn công. Do hoàn cảnh lịch sử chi phối, VNCH không thể thống nhất đất nước. Quân đội Nhân dân VN đã nối bước QLVNCH tiếp tục con đường chống CS bảo vệ đất nước. Đó là truyền thống hào hùng của dân tộc Việt.                      

 

Lê Quế Lâm