MINH THỊ

 

LỊCH SỬ ĐÃ CHỨNG MINH, KHÔNG MỘT ĐÁM NGOẠI NHÂN NÀO YÊU THƯƠNG ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA NẾU CHÍNH CHÚNG TA KHÔNG BIẾT YÊU THƯƠNG LẤY ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC CỦA MÌNH. 

DÂN TỘC VIỆT NAM PHẢI TỰ QUYẾT ĐỊNH LẤY VẬN MỆNH CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ VAN NÀI, CẦU XIN ĐƯỢC TRỞ THÀNH QUÂN CỜ PHỤC VỤ CHO LỢI ÍCH CỦA NGOẠI BANG VÀ NHỮNG THẾ LỰC QUỐC TẾ. 

 

Email: kimau48@yahoo.com or kimau48@gmail.com. Cell: 404-593-4036. Facebook: Kim Âu

 

֎ Kim Âu ֎ Tinh Hoa ֎ Chính Nghĩa ֎ Diễn Đàn ֎ Bài Của Kim Âu ֎ Báo Chí ֎ Dịch ֎ Tự Điển ֎ Tiếng Việt ֎ Learning ֎ Chính Nghĩa Việt Blogspot ֎ Sports ֎ Video/TV ֎ Lottery ֎ Tác Phẩm ֎ Tác Gỉa ֎ Đà Lạt

 

Lịch sử và nhân chứng

 

Lê Quế Lâm

 

 

Cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng

 

 

Ngày 21/01/2007 cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng qua đời, năm ngày sau báo Sài-Gòn Nhỏ Orange ở Cali có bài viết "Tướng NQT, ông là ai?" Nội dung trích từ quyển sách của cựu thiếu tưóng Hoàng Văn Lạc và cựu đại tá Hà Mai Việt. Sau đó có hai tiếng nói phản hồi: Một của Nguyễn Thế Thiên & Sơn Hà với tựa đề "Sự thật về bài viết về tướng NQT" (The Little Saigon News of Orange, March 9-2007). Hai là bài viết "Lời nói không đúng, báo không nên viết!" của Phan Nhật Nam (Báo Dân Việt, Thứ sáu 23/03/2007). Ba bài báo trên ghi lại một số biến cố trong cuộc chiến VN, với các nhận xét như: "tướng Trưởng tầm thường, sở dĩ được thăng thưởng là nhờ tướng Cao Văn Viên nâng đở, danh tiếng chỉ là huyền thoại", hoặc tướng Hoàng Lạc thì "tự đề cao, viết sai sự thật". Đó không phải là những điều mà người đọc quan tâm, họ chỉ muốn biết vị danh tướng nổi tiếng trong sạch NQT đã tiết lộ những sự thật gì về lịch sử, chẳng hạn như "Tại sao tôi bỏ Huế" hoặc "TT Thiệu đã chỉ thị gì khi ra lịnh ông rút bỏ QĐ I"…

Cuộc chiến đã kết thúc từ 32 năm trước, song có nhiều sự kiện chưa được sáng tỏ, hầu giúp những người đi sau "ôn cố tri tân" để đưa đất nước vượt qua thảm trạng hiện nay. Nhiều nhân chứng lịch sử lần lượt qua đời và hiện có khá nhiều hồi ký viết về những biến cố trước 1975. Mỗi tác giả tùy theo vị trí đứng của mình mà nhận định về lịch sử. Họ có quyền tự hào hoặc biện minh việc mình đã làm; họ có thể đề cao những ai ban ơn cho họ. Không ai chê trách mà có thể còn khen sự trung hậu của họ… Nhưng xin đừng có ý nghĩ muốn độc giả đồng tình với mình. Cũng phải tôn trọng lịch sử và người đọc, giúp họ thấy được sự thật của những biến cố lịch sử, họ cũng có đầu óc để nhận xét cái đúng cái sai.

 

Theo nhà báo lão thành Nguyễn Tú, lịch sử ghi lại những sự kiện xảy ra theo đúng nguyên trạng, từ đó các sử gia sắp xếp có suy nghĩ để tạo thành một toàn cảnh chung, giúp họ nhìn thấy rõ các sự kiện trong tiến trình xảy ra mà viết thành sử. Việc sắp xếp các sự kiện lịch sử để tạo dựng lại được một cách trung thực dù là tương đối -một giai đọạn lịch sử khả tín, các sử gia không khỏi vấp phải những chỗ trống nan giải, lúc này đành phải để chữ "tồn nghi" chưa chắc chắn, để người sau bổ túc. Tuy nhiên, lịch sử -bất luận ở thời đại nào, bất cứ ở nơi đâu, xưa nay, đều không bao giờ có chuyện "ngẫu nhiên". Lịch sử -theo một qui luật bất di bất dịch là qui luật "nhân quả", để nhận định, mà không cần phán xét rườm rà; còn người đời, có thể "tùy nghi". Lịch sử đứng trên tất cả vì tính chất vô tính, vô tình và vô thần của nó. Lịch sử cũng không cần được ban cho hai chữ "khách quan". Lịch sử là lịch sử thế thôi. (1) Rất tiếc có nhiều tác giả vì muốn lôi kéo người đọc đứng về phía họ, nên cố tình bóp méo sự thật lịch sử. Vô hình chung, tự mình đánh mất giá trị của mình và còn mang tội đối với đất nước.

Lịch sử do con người làm ra, họ tạo nhân gì tất gặt quả nấy, không thể nào tránh khỏi, đó là tính tất yếu của lịch sử. Nói "lịch sử phán xét" chớ thật ra cũng do người đời mà thôi, nhưng dựa vào đâu để phán xét? Có lẽ phải dựa vào việc làm của những "nhân vật" lịch sử có đáp ứng với lợi ích chung của nhân dân hay không? Có hợp với đạo đức của dân tộc, với thời thế và trào lưu tiến hóa của nhân loại hay không? Trước thảm trạng đất nước, những ai còn ưu tư đến tiền đồ dân tộc phải chịu khó đọc lại lịch sử, cần lịch sử soi sáng…Nhưng lịch sử phải được ghi lại đúng như nguyên trạng của nó.

 

Nhân ngày 30/4 và một nhân chứng lịch sử vừa vĩnh viễn ra đi, chúng tôi xin ghi lại một bí ẩn lớn trong cuộc chiến VN mà rất ít người biết được. Đó là Bản dự thảo Hiệp định Paris ngày 26/10/1972 ra đời trong bối cảnh nào? Từ đó đưa đến sự xung đột trong mối giao hảo giữa VNCH và đồng minh HK với kết cuộc là biến cố 30/4.. Đồng thời cũng để tưởng niệm cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng.

 

Xế chiều ngày 25 tháng 10 năm 1972, từ bản doanh BTL Tiền phương QĐ I ở Phú Bài (Huế), tướng Ngô Quang Trưởng khẩn trình TT Thiệu một tin tức quan trọng: Lực lượng Cảnh sát Quốc gia QK 1 vừa tịch thu một mật điện của Bộ Tư lịnh QK 5 CS gởi Bộ Chỉ huy Thị đội Tam Kỳ (Quảng Tín) cho biết một hiệp định ngưng bắn sẽ được ký kết ngày 26/10. Kèm theo mật điện là bản phương án hướng dẫn việc cắm cờ lấn đất giành dân và sách động đồng bào xuống đường mừng hòa bình. Lợi dụng khí thế quần chúng, cán bộ CS hô hào đốt phá các cơ sở quân sự tiến tới cướp chánh quyền.

 

Được báo cáo của tướng Trưởng, TT Thiệu chỉ thị Bộ TTM chuyển cấp tốc tài liệu đó về Sàigòn. BTL/KQ liền điều động hai phi cơ A37 từ Bình Thủy (Cầnthơ) về phi trường TSN đưa T/tá Võ văn Thành, Trưởng ban Tiếp nhận và Chọn lựa tài liệu, đi QK1 lấy tài liệu. Khi A37 sắp đáp xuống Đà Nẳng, phi công báo về Sàigòn, lúc bấy giờ tướng Võ xuân Lành -Tư lịnh phó Không quân và tướng Lê Ngọc Triển -Tham mưu phó Hành quân Bộ TTM túc trực tại phi trường TSN. Họ gọi điện báo ra Phú Bài và đích thân tướng Trưởng mang tài liệu về Đà Nẳng trao cho T/t Thành. Tài liệu về đến Sàigòn, trong đêm đó, chúng tôi đã thảo bản tin phổ biến cấp thời cho các địa phương và viết phiếu trình Tổng TMT.

Vì tính chất khẩn cấp, tờ trình được chuyển thẳng lên Phủ Tổng thống. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi được Tr/tá Nguyễn quang Ngọc, CHT Trung tâm Khai thác tài liệu, hướng dẫn đến Dinh Độc lập trình bày chi tiết với Trung tướng Đặng văn Quang, Phụ tá An ninh Quân sự tổng thống, trong khi TT Thiệu họp khẩn cấp với các tư lịnh sư đoàn và các tỉnh trưởng. Tướng Quang cho biết, Kissinger vừa rời Sàigòn ba ngày trước, trong năm ngày ở đây để tham khảo với chánh phủ về bản dự thảo hiệp định, ông ta không đề cập gì đến việc ký kết, mà chỉ đưa ra một phó bản hiệp định để hai bên thảo luận. Trong khi chánh phủ VNCH chưa biết gì về việc ký kết và ngưng bắn thì tại Trung ương Cục Miền Nam và Quân khu 5 CS, cán bộ CS đã biết rõ ngày ký kết và giờ ngưng bắn có hiệu lực, để lợi dụng thời cơ đó chiếm ưu thế bằng cách lấn đất giành dân và cướp chánh quyền. Tại Củ Chi (Hậu Nghĩa), Hồng Ngự (Kiến Phong) và nhiều nơi khác, các đơn vị vũ trang CS tưởng có ngưng bắn thực sự, đã nhào ra đồng bằng cấm cờ lấn đất giành dân bị tổn thất nặng nề. (2)

 

Để biện minh cho hành động thất tín, chiều 27/10, đài phát thanh Hànội công bố toàn văn bản dự thảo hiệp định bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp với hai bức điện xác nhận sự thoả thuận của TT Nixon. Bắc Việt tố cáo HK lật lọng tráo trở vì Kissinger đã hứa sẽ đi Hànội phê chuẩn rồi lại sai hẹn. Hai giờ sau khi Hànội công bố bản văn hiệp định, Kissinger mở cuộc họp báo tại Bạch Cung (sáng 26/10 giờ HK). Đây là lần đầu tiên, ông họp báo công khai thừa nhận: "hoà bình hiện đang ở trong tầm tay, hiệp định đang ở trong tầm mắt thấy, đặt trên cơ sở đề nghị ngày 8/5 vừa qua của tổng thống…Đó là một đề nghị công bằng cho tất cả mọi phe" (3). Kissinger cho biết chỉ còn một vài chi tiết nhỏ cần thảo luận thêm trước khi thoả hiệp được ký kết.

 

Cuộc đàm phán HK/CSVN đã bắt đầu tại Paris từ ngày 13/4/1968, trong thế "vừa đánh, vừa đàm". Hànội muốn kéo dài đàm phán để thắng Mỹ vì phong trào phản chiến ngày càng lan rộng, đòi Mỹ phải rút khỏi VN. Còn HK thì cần thời gian để củng cố MN hầu chiến thắng CS bằng cuộc tổng tuyển cử tự do. Trong bốn năm sau đó, HK xúc tiến việc tăng cường QLVNCH, bình định nông thôn để thực hiện chương trình "người cày có ruộng", thành lập các ngân hàng phát triển nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế thời hậu chiến.

 

Từ giữa năm 1972, tình thế VN đã có biến chuyển lớn. Nixon ra lịnh tái oanh tạc miền Bắc, rào mìn phong tỏa cảng Hànội và Hải phòng để ngăn chận nguồn tiếp tế của khối XHCN giúp BV. Nixon cũng đã thành công trong việc thiết lập bang giao với TC và ký hiệp ước SALT với LX. Cả hai nước này đều cam kết sẽ áp lực Hànội chấm dứt chiến tranh. Trong khi đó QLVNCH đã tái chiếm Quảng Trị, còn tại Mỹ, đang diễn ra cuộc bầu cử giữa ứng cử viên bồ câu McGovern và diều hâu Nixon. Hànội cho rằng đây là thời cơ để tấn công hòa bình, giành thắng lợi. Do đó, từ cuối tháng 7/1972, khi cuộc mật đàm tái tục, Hànội tỏ ra hòa hoãn không còn đòi loại bỏ chánh quyền Nguyễn văn Thiệu.

 

Ngày 11/9/1972, BV đưa ra đề nghị mới "giải quyết vấn đề nội bộ MNVN là phải xuất phát từ tình hình thực tế có hai chánh quyền và các lực lượng chính trị khác. Do đó cần thành lập một chánh phủ hòa họp dân tộc lâm thời gồm ba thành phần ngang nhau, đảm đang mọi công việc trong thời gian quá độ, để tổ chức tổng tuyển cử thực sự tự do dân chủ". Hai tuần sau, trong cuộc mật đàm lần thứ 19, lần đầu tiên BV đồng ý một cuộc ngưng bắn tại chỗ với một giải pháp chánh trị cho MNVN. Ngày 8/10/1972 Hànội đưa ra bản dự thảo hiệp định, gần như họ đồng ý tất cả đề nghị của HK kèm theo một số điều kiện của họ, để hai bên thảo luận trong kỳ họp tới. Bản dự thảo được Kissinger thông qua và một lịch trình tiến hành đưọc hai bên chấp nhận: 

 

Ngày 18/10, HK ngưng oanh tạc và tháo gở mìn ở các cửa biển BV. Cùng ngày, Kissinger đến Sàigòn tham khảo với VNCH về bản dự thảo hiệp định.  

 

Ngày 24/10 Kissinger và Thọ phê chuẩn bản dự thảo sau khi được chánh phủ VNCH đồng ý.

 

Ngày 26/10 bản văn hiệp định được ký kết tại Paris.  

 

Ngày 27/10 cuộc ngưng bắn bắt đầu.

 

Lúc đầu, LĐT đòi ngừng bắn ngày 31 tháng 10, nhưng bị Kissinger bác bỏ vì đây là cuộc ngưng bắn tại chỗ, nên phải thi hành ngay sau khi hiệp định được ký. Nếu muốn ngưng bắn ngày 31 thì hiệp định sẽ ký kết ngày 30. (4)

 

Trong hiệp định có một vài điều khoản bất lợi, song Kissinger phải chấp nhận, vì HK cần có một hiệp định hòa bình trước ngày bầu cử tổng thống 7/11 sắp tới. Vấn đề duy nhất mà CSBV không chịu nhượng bộ là việc rút quân của họ khỏi MN. Nixon cho rằng "HK không có cách nào bắt buộc BV phải nhượng bộ điểm này". LĐT luôn nói rằng "Quân đội Mỹ thì rút về Mỹ, còn quân đội VN đóng trên đất nước VN, thì rút đi đâu?" (5) Ông cứ dùng lập luận đó để kéo dài đàm phán. Nixon thừa nhận: "Dù VNCH có xoay ngược được thế cờ, tái chiếm Quảng Trị và cố thủ Bình Long, nhưng BV vẫn còn chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn ở MN dọc theo khu PQS và trên vùng Cao nguyên. Nếu đi đến hòa giải lại đòi BV phải cho không những lãnh thổ mà VNCH không thể giành lại được, thì BV sẽ chọn con đường, thà đừng đi tới hòa giải còn hơn. Nếu cứ khăng khăng đòi BV phải rút ra khỏi MNVN thì ắt đã không có hiệp định hòa bình". Để giải quyết nan đề này, HK chỉ đòi Hànội hứa sẽ không đưa quân vào MN nữa. Nixon hy vọng nếu BV giữ lời hứa, các lực lượng của họ ở MN sẽ phải rút ra, nếu không thì tan rã. Đòi hỏi của HK được Hànội đồng ý, hai bên chấp nhận một thời khóa biểu ký kết hiệp định như vừa kể. (6)

 

Theo đúng lịch trình, ngày 18/10/1972 Kissinger rời Paris đi Sàigòn trình bày bản dự thảo HĐ với chánh phủ VNCH sau đó đến Hànội dàn xếp một vài điểm kỹ thuật và phê chuẩn bản văn. Tại Sàigòn, Kissinger chuyển đến Thiệu lá thư riêng của Nixon đề ngày 16/10/1972. Nixon cho rằng trong bốn năm cầm quyền ông "Đã đứng sau lưng chánh phủ và nhân dân VNCH, ủng hộ sự đấu tranh dũng cảm của họ, nhằm chống xâm lăng và bảo tồn quyền tự quyết về tương lai chánh trị của mình". Hoa Kỳ "cũng không bao giờ thương lượng với BV một giải pháp nào, có thể định đoạt trước tương lai chánh trị của MN. Chúng tôi trước sau vẫn triệt để tôn trọng lập trường là duy trì chánh phủ dân cử và bảo đảm cho nhân dân tự do VN cơ hội quyết định tương lai mình".. Đề cập đến tình hình sắp đến, khi cuộc xung đột quân sự chuyển sang đấu tranh chính trị, Nixon viết rằng: "Nếu như ta có thể mạo hiểm trong chiến tranh thì tôi tin là ta cũng phải mạo hiểm trong hòa bình. Ý định của chúng tôi là quyết tâm tôn trọng những điều khoản trong các hiệp định và thỏa thuận ký kết với Hànội và tôi cũng biết rằng đó cũng là thái độ của chánh phủ Ngài. Chúng tôi đòi hỏi phải có qua có lại và đã cảnh giác cho cả họ lẫn các đồng minh lớn của họ biết rõ như thế. Tôi xin cam kết với Ngài rằng bất cứ một sự bội tín nào về phía họ, cũng sẽ bị chúng tôi lên án khắc khe nhất và nó sẽ có những hậu quả trầm trọng nhất". (7)

 

Dự thảo hiệp định ra đời trong hoàn cảnh cấp bách, có nhiều điểm bất lợi cho VNCH, do đó, trước khi đi Sàigòn, Nixon căn dặn Kissinger tránh chạm trán với Thiệu. Sau 5 ngày thảo luận, Kissinger rời Sàigòn mang theo bức thư của Thiệu gởi Nixon trong đó tóm lược những điểm phản đối của VNCH. Khi từ giả, Kissinger yêu cầu Thiệu: "Tôi yêu cầu có một sự đồng ý giữa chúng ta là không tiết lộ cho báo chí biết bất cứ điều gì đang diễn tiến. Hãy làm như chúng ta đã có được một buổi họp xây dựng". Tới phi trường TSN, Kissinger thấy một đám ký giả, và nhiếp ảnh viên chực sẵn. Ông ngừng lại vài phút, một phóng viên hỏi: "chuyến đi này có được việc, có xây dựng không?" Ông trả lời: "được việc và xây dựng.. Như bất cứ lần nào tôi đến đây". (8). Như vậy, Kissinger đã thực hiện trọn vẹn mọi việc: đến Sàigòn tham khảo bản dự thảo hiệp định với VNCH. Đón nhận những đòi hỏi sửa đổi của TT Thiệu, Kissinger đã có cớ để tạm hoãn việc ký tắt hiệp định với LĐT như đã dự trù. Kissinger cũng đã giữ đúng cam kết mật đàm với LĐT, không tiết lộ bất cứ một điều gì về thời điểm ký kết và ngưng bắn. Việc tham khảo với VNCH như ông tuyên bố "được việc và xây dựng", nghĩa là mọi việc êm xuôi, việc ký tắt sẽ tiến hành. Như thế, Hànội an tâm mọi kế hoạch không có gì thay đổi, liền ra mật lịnh lợi dụng ngày ngưng bắn như trình bày trên.

 

Ngày 3/11/1972 -bốn ngày trước khi dân chúng Mỹ đi bầu tổng thống và quốc hội, trong cuộc vận động tranh cử ở Rhode Island, Nixon tiết lộ thỏa ước hòa bỉnh đạt được với BV phải đáp ứng 3 điểm mà ông đưa ra ngày 8/5: Một là ngưng bắn trên toàn cỏi Đông Dương, không những ở VN mà cả ở Lào và Cam bốt nữa. Hai là hồi hương tù binh Mỹ và giải quyết vấn đề người Mỹ còn mất tích trong cuộc chiến. Ba là nhân dân MNVN có toàn quyền quyết định tương lai của họ, không được áp đặt một chánh quyền cộng sản hoặc liên hiệp nào trái ý nguyện của họ. Nixon thừa nhận có một vài chi tiết của hiệp định cần được nghiên cứu vì tầm quan trọng của nó và "điều quan trọng nhất là chúng ta sắp chấm dứt cuộc chiến này, chấm dứt cách nào để có một nền hòa bình thực sự trong những năm sắp đến. Đó là những gì mà nhân dân HK mong muốn". (9)

 

Ngày 7/11, Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai với số phiếu bầu kỷ lục. Có thể nói, việc trì hoãn ký tắt hiệp định khiến CSBV bị "hố" khi ra mật lịnh tấn công khi có ngưng bắn, là một thủ đoạn có tính toán của HK. Họ mượn tay BV công bố bản hiệp định trước ngày bầu cử ở Mỹ để cử tri Mỹ thấy rằng Nixon đã làm đúng lời hứa; chấm dứt chiến tranh VN trong nhiệm kỳ của ông. Mặt khác họ muốn cho thế giới thấy rằng Hànội sẽ không bao giờ thực hiện nghiêm chỉnh HĐ. Chính BV đã vi phạm HĐ ngay cả trước khi nó có hiệu lực. Ngoài ra, sở dĩ HĐ chưa thể ký được vì HK coi những đòi hỏi của TT Thiệu là chánh đáng, cần phải bàn thảo thêm với BV. Nhân đó áp lực Hànội phải chấp nhận ba điểm của Nixon. Quả thực, HĐ Paris 1973 đã thỏa mãn phần lớn những đòi hỏi của ông Thiệu và HK. Và cuối cùng giúp VNCH rút kinh nghiệm để đối phó khi HĐ chánh thức ra đời.. (10) 

 

Thay đổi lịch sử: Vì những điểm trên, tôi rất thích thú khi thấy Gs Nguyễn tiến Hưng đề cập đến sự kiện -mà bản thân tôi là chứng nhân- trong quyển Hồ sơ mật Dinh Độc lập. Song tôi hết sức ngạc nhiên, khi thấy tác giả đã mang một sự kiện xảy ra vào ngày 26/10, gán nó vào ngày 17/10. Và từ sự kiện này mở đầu cho câu chuyện tranh cãi gay gắt giữa Kissinger với TT Thiệu và bí thư Hoàng đức Nhã khi Kissinger đến Sàigòn từ 18 đến 23 tháng 10/1972. Đó là nội dung Chương V – Mưu đồ của Kissinger, được bắt đầu nguyên văn như sau:

 

"Vào lúc năm giờ chiều ngày 17-10-1972, ông Thiệu ra lịnh cho Bộ TTM gấp rút chuyển về Sàigòn một tập tài liệu vừa bắt được của Việt Cộng, tìm thấy dưới hầm một tên chính ủy thuộc tỉnh Quảng Tín. Được chở khẩn cấp bằng máy bay nhẹ, rồi máy bay trực thăng qua Đà Nẳng, các tài liệu này về tới bàn giấy ông Thiệu lúc nửa đêm. Ông vội vã đọc, hết sức sửng sốt vì nhận ra ngay rằng cán bộ CS, trong một tỉnh lỵ cô lập ở miền Trung, còn biết được nhiều chi tiết về hòa đàm Paris hơn là chính mình. Tài liệu mang tên "Chỉ dẫn tổng quát về ngưng chiến" có nội dung dường như lấy từ bản sơ thảo hiệp định lúc ấy đang được Kissinger và Lê đức Thọ thương thảo tại Pháp, và tiết lộ những nhượng bộ cơ bản của Kissinger. Cho đến lúc ấy, Thiệu chưa hề biết gì đến bản dự thảo cuối cùng của hiệp định, và chẳng được Kissinger thông báo gì cả. Vậy mà tại một tỉnh lỵ hẻo lánh xa xôi, phía nam Đà Nẳng, quân, cán CS đã đang bắt đầu học tập các tài liệu đó rồi, và dựa vào đó để chuẩn bị hành quân. Nổi bật nhất phải kể đến chi tiết liên quan đến chiến lược và chiến thuật của BV nhằm duy trì lực lượng tại miền Nam sau khi có tuyên bố đình chiến". Sách viết tiếp: "Sau này, kể lại, lúc đọc xong tài liệu ông nói: "Đó là lần đầu tiên tôi biết được là mình đã bị Mỹ qua mặt. Người Mỹ nói với tôi là vẫn còn đang thương thuyết, là chưa có gì dứt khoát cả, thế mà bên kia đã có đầy đủ tin tức rồi" (Tr.145-46)

 

Có lẽ xuất phát từ HSMDĐL, mà quyển No Peace, No Honor - Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam do Tiến sĩ Larry Barman xuất bản năm 2001, đã viết: "On October 17 Thieu received a captured enemy document found in an underground bunker in a remote VC district in Quang Tin province. Titled "General Instructions for a Cease-Fire", Thieu now realized that "commmunist cadres in an isolated province of Central Vietnam knew more about the details of the Paris talks than he did". (Page 161) Sách của giáo sư Barman được Giáo sư Nguyễn mạnh Hùng chuyển dịch sang Việt ngữ: Không Hòa bình, Chẳng Danh dự với lời đề tựa của ông Hoàng đức Nhã xuất bản năm 2003.

 

Sau đó đến quyển Đất Nước Tôi của cựu thủ tướng Nguyễn bá Cẩn, cho biết "Ngày 19 tháng 10 năm 1972, Kissinger đến Sàigòn để thuyết phục TT Thiệu chấp nhận bản thảo hòa ước chấm dứt chiến tranh....Tưởng nên nói thêm rằng ngày 17/10/1972, tỉnh Quảng Tín đã tịch thu được một tài liệu của CSBV gởi các đơn vị trong Nam tựa đề "Chỉ thị tổng quát về một cuộc ngưng bắn", trong đó có mật lệnh quan trọng nhất là các đơn vị VC phải mở tấn công cao điểm chiếm đất giành dân càng nhiều càng tốt, để nới rộng vùng kiểm soát của bọn chúng. Thì ra hai ngày trước khi TT Thiệu được trông thấy bản dự thảo hòa ước, thì Hànội đã "bán" được cho Kissinger điều khoản "ngưng chiến tại chỗ"(stand-still cease fire) nên đã chỉ thị các đơn vị MN của bọn chúng khai thác tối đa thắng lợi này. Còn Kissinger thì ngỡ rằng có thể áp lực được TT Thiệu để ngày 21/10/1972 bay sang Hànội hầu ký tắt (initial)". (Tr. 259-260)

 

Quyển HSMDĐL còn tiết lộ, sau khi nhận bản dự thảo hiệp định từ tay Kissinger vào buổi sáng 19/10/1972, TT Thiệu giao cho Hoàng Đức Nhã nghiên cứu trước khi gặp lại Kissinger vào 5 giờ chiều. Nhã phân phát cho Ngoại trưởng Trần Văn Lắm, Cố vấn Nguyễn Phú Đức và Đại sứ Trần Kim Phượng mỗi người một bản sao để tham khảo trước. Đến trưa, Nhã mời họ dùng cơm ở nhà hàng La Cave. Ngồi vào bàn, Nhã hỏi ngay: "Quý vị nghĩ thế nào?" Họ trả lời: "Không đến nổi nào. Chúng tôi tưởng còn tệ hơn nữa". Nhã gay gắt "Thế nào là không đến nổi nào? Quý vị đã đọc kỹ chưa?" (Tr.154) Sau đó Nhã tới dinh Độc lập giục ông Thiệu đòi thêm thì giờ để nghiên cứu và đề nghị "Xin anh bỏ buổi họp năm giờ đi". Thiệu đáp "Nhưng mình đã lở hứa rồi". Ts Hưng viết tiếp nguyên văn như sau: "Cùng một lúc, ông Thiệu lại nhận ngay được những báo cáo khẩn từ các bộ tư lệnh quân đoàn cho biết địch đang tập trung theo đúng những chỉ thị ghi trên những tài liệu tịch thu. Nhã nói 'mình phải triệu tập tất cả các tỉnh trưởng về Sàigòn sáng ngày mai, và em sẽ lấy đó làm cái cớ để hoãn cuộc họp với Kissinger'. Thiệu quyết định không cho Kissinger biết về những tài liệu tịch thu, vì ông muốn để xem Kissinger sẽ nói gì về những điều kiện ông ta đã thỏa thuận với BV; ngoài ra Thiệu không muốn cho Kissinger có dịp để cãi rằng đó chỉ là chiến dịch phản tuyên truyền của CS. Thiệu nghĩ rằng đối chất Kissinger với những tài liệu tịch thu đó thì chỉ gây thêm căng thẳng mà thôi". (Tr.171-72. Tác giả ghi chú: phỏng vấn Hoàng Đức Nhã ngày 23-7-1985)

  

Đọc đoạn văn trên, những nhân chứng hiện nay còn sống ở HK như Đại tướng Cao Văn Viên -cựu Tổng TMT, Đại tá Hoàng Ngọc Lung -cựu Trưởng phòng Nhì/Bộ TTM, Tr/tá Ngọc, T/tá Thành, Đ/úy Nguyễn Cao Thăng… và cựu Tr/tướng Đặng Văn Quang ở Canada, sẽ đánh giá TT Thiệu là người nói dối.. Vì vào ngày 20/10 làm sao ông có được tài liệu tịch thu ngày 25/10, để đối chất với Kissinger? Vì thế ông "quyết định không cho Kissinger biết tài liệu đó". Và làm sao có việc "các quân khu báo cáo khẩn địch đang tập trung theo đúng những chỉ thị ghi trên những tài liệu tịch thu"?

 

Tóm lại, không có gì chứng tỏ Kissinger nói dối. Ông đi Sàigòn, trao nguyên văn bản dự thảo hiệp định để thảo luận và ông đã có áp lực VNCH ký kết. Điều đó cho thấy ông đã làm đúng lời hứa với LĐT, có như vậy Hànội mới tin chắc là hai bên sẽ ký tắt vào 24/10 như đã thỏa thuận. Ông cũng đã cố thuyết phục TT Thiệu suốt 5 ngày, nhưng vì ông Thiệu nêu ra những điểm rất chánh đáng đòi phải sửa đổi, và ông đã chấp nhận. Do đó, khi rời Sàigòn, ông đã báo ngay cho LĐT biết là hai bên chưa thể hoàn tất hiệp định được. Trái lại, Nhã lên án Kissinger nói dối, bằng cách thay đổi lịch sử, đặt điều những chuyện không có thật. Hậu quả là tổng thống VNCH mang tiếng nói dối. Thanh danh đất nước bị hoen ố. Lúc đương quyền, được TT Thiệu tin cậy, trao cho quyền cao chức trọng, thử hỏi giờ đây hai ông Hoàng Đức Nhã và Nguyễn Tiến Hưng có dám đính chánh, nói lên sự thật để giải oan cho người đã khuất hay chưa?

 

Hậu quả của việc tráo trở sự kiện lịch sử của giới lãnh đạo VNCH, thật ra chỉ có Hoàng Đức Nhã -người em bà con của ông Thiệu và bè bạn của Nhã mà tuổi đời chỉ trên dưới 30, đã làm miền Nam sụp đổ. Đó là nổi bất hạnh của dân tộc khi vị lãnh đạo quốc gia đặt vận mạng đất nước vào đứa em họ mà ông "tin cậy và coi là một chuyên gia vể HK". Nhã học ở HK "đã nhiễm được những phong cách, dáng điệu, cũng như những tiếng lóng của người Mỹ" và "phong cách lấc cấc kiểu Mỹ con, giữa thời chiến mà y lái xe Mustang mui trần, rồi Mercedès ngông nghênh diễn ra các phố phường Sàigòn. Đó là biểu hiệu của sự phô trương và đặc quyền" hoặc "một số chánh khách cả Việt lẫn Mỹ đã coi anh ta như là người thiếu kinh nghiệm, kiêu ngạo và hay lạm dụng quyền thế". Đó là những nhận xét của Ts Nguyễn Tiến Hưng (11) Trong lúc HK sắp kết thúc chiến tranh bằng một hiệp định hòa bình đáp ứng những nguyện vọng lớn của toàn dân là dân chủ tự do, độc lập thống nhất, với các cuộc tổng tuyển cử tự do để nhân dân thực hiện quyền tự quyết của mình. Thì giới lãnh đạo VNCH biến cuộc kết thúc đó thành bước mở đầu một cuộc chiến mới giữa VNCH và HK.. Từ đó Miền Nam tự do mất hết đồng minh -không những từ sau HĐ Paris 1973, mà mãi đến ngày hôm nay..

 

Kết luận: Số phận đau thương của đất nước cũng là số phận của một nhân chứng vừa nằm xuống: cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng. Tháng 10/1972 từ địa đầu giới tuyến, ông báo cáo TT Thiệu một hiệp định ngưng bắn sắp sửa ra đời. Trong 30 tháng sau đó, một thời gian đủ dài để giới lãnh đạo quốc gia thích nghi với tình thế mới từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chánh trị. Đùng một cái, vào ngày 13/3/1975, ông được tổng thống gọi về Sàigòn bảo phải "rút bỏ QĐ I ngay hôm nay". Ông trình bày là "đủ sức chống giữ, nhưng tổng thống và thủ tướng không chấp nhận. Lịnh bất di bất dịch là: Phải rút khỏi QĐ I càng sớm càng hay". Tuy vậy, ông vẫn chần chờ, cố giữ vùng địa đầu giới tuyến, nhưng đến ngày 19/3 khi Cộng quân BV tấn công Quảng Trị, dân chúng cố đô Huế ùn ùn kéo vào Đà Nẳng. Chỉ trong 10 ngày, Đà Nẳng trở thành một thành phố hỗn loạn với số dân chúng tăng lên gấp ba lần. Hầu hết các đơn vị còn đầy đủ vũ khí nhưng không người chỉ huy, họ đổ xô ra bờ biển, trưng dụng và cướp ghe thuyền đánh cá của dân chúng để xuôi Nam.

 

Ngày 30/3/1975, VNCH hoàn toàn mất quyền kiểm soát ở Đà Nẳng. Nếu cả kể QĐ II (cũng được lịnh rút bỏ sau QĐ I một ngày) thì 5 sư đoàn bộ binh, các đơn vị nhảy dù, thủy quân lục chiến, các đơn vị không và hải quân, các lực lượng địa phương quân và nghĩa quân, tổng cộng trên 270 ngàn đã tan rã.. Số binh sĩ và thường dân thương vong rất nhiều. Trước thảm cảnh đó tôi rất đau buồn cho vận nước: từ ông tổng thống nổi tiếng "lỳ', nay hết "lỳ' (không còn "bốn không") thì gặp phải ông tướng nổi tiếng tôn trọng quân kỷ, nay lại bất tuân thượng lịnh. Ý nghĩ đó ám ảnh tôi suốt hơn 30 năm qua…Nhưng mới đây, tôi biết thêm một sự thật từ một nhân chứng mới: cựu phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, nguyên Tư lịnh Vùng I Duyên hải. Trong quyển "Can trường trong chiến bại – Hành trình của một thủy thủ" (vừa được phát hành tại Cali ngày 21/3 vừa qua), tác giả tức Đề đốc Thoại cho biết tướng Trưởng đã tiết lộ cho ông biết: "Ngày 13/3/1975 tại dinh Độc lập, TT Thiệu nhận định không còn cách nào với ngân khoản viện trợ của HK bị cắt giảm, chánh phủ có thể giữ được sự toàn vẹn của lãnh thổ miền Nam. TT Thiệu lấy viết vạch một đường từ Ban Mê Thuộc xuống Tuy Hòa và nói đó là ranh giới của miền Nam. TT Thiệu còn căn dặn tướng Trưởng phải giữ kín không tiết lộ cho các tư lịnh sư đoàn, các tỉnh trưởng cũng như hải quân và không quân biết việc bỏ miền Trung".

 

Thử hỏi, tướng Trưởng làm sao có thể tuân hành một mệnh lệnh có thể nói là "tàn nhẫn, cạn tàu ráo máng" của vị tổng thống, tổng tư lịnh tối cao quân đội như vậy. Làm sao ông có thể nhẫn tâm bỏ rơi chiến hữu -những thuộc cấp của mình đã từng đồng lao cộng khổ tại tuyến đầu lữa đạn. Vì thế ông phải nấn ná ở lại, cho đến ngày 29/3/1975 ông ra một lịnh cuối cùng: "Các anh không còn nhiệm vụ gì nữa, các anh tùy nghi tìm phương tiện ra tàu". Còn ông "ở lại một mình trong trại TQLC ở căn cứ Non Nước, không còn phương tiện khác", chiếc trực thăng dành cho ông đã cất cánh.(12) Đối với tôi, giờ phút này Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã tuẩn quốc. Có thể, sau khi mọi người ra đi, ông sẽ noi gương cụ Phan Thanh Giản ngày trước -cùng quê hương Bến Tre với ông, quyên sinh ngay tại biên trấn mà mình nhận trọng trách. Khác với cụ Phan, tướng Trưởng không đầu hàng. Nhưng sự đời run rủi, đại tá Nguyễn Thành Trí –tư lịnh phó Sư đoàn 369 TQLC, nhìn thấy ông suy yếu sau nhiều đêm mất ngũ, không đành bỏ lại nên trồng một áo phao vào người ông để bơi ra tàu.

 

Đến trưa ngày 29/4/1975, toàn bộ cấp chỉ huy ở Bộ Tổng Tham Mưu đều di tản, chỉ còn đơn độc tướng Trưởng vì cái quyết định của tướng Cao Văn Viên bổ nhiệm ông làm phụ tá Tổng TMT. Đúng một tháng trước, ông không được chết với Vùng I nơi ông trấn nhậm, thì nay ông sẽ cùng chết với QLVNCH tại cơ quan đầu não này. Nhưng cũng do cơ trời run rủi, tướng Nguyễn Cao Kỳ vào phút chót, đáp trực thăng xuống Bộ Tổng Tham Mưu, để nắm tình hình, xem có thể cứu vãn được gì không? Nơi đây vắng lặng chỉ còn tướng Trưởng mà thôi. Tướng Kỳ đưa ông lên trực thăng bay ra hạm đội.

Ba mươi hai năm qua sống ở hải ngoại, ông âm thầm ray rứt với lầm lỗi của mình (có lỗi với thượng cấp, và lỗi với thuộc cấp). Chính bà Trưởng cũng chia sẻ với ông: chồng bà cũng có lỗi…Nhưng ông không nhắc đến cái lịnh "tàn nhẫn" của TT Thiệu ngày 13/3/1975. Sau khi ông qua đời, cựu phó Đề đốc Thoại mới tiết lộ. Ông cố giữ uy tín TT Thiệu đến cuối đời, trong khi những đệ tử tổng thống, "ở nhà mát ăn bát vàng, sớm cao bay xa chạy" lại viết sách sửa đổi lịch sử để biện minh cho lãnh tụ, khiến TT Thiệu mang thêm tai tiếng: là kẻ nói dối